Nghĩ về nhân trí dũng trong đạo làm thầy thời @

lion

Moderator
Staff member
Nhân, trí, dũng là ba đức tính, ba trụ cột làm nên nhân cách người quân tử, người hiền, người tốt trong quan niệm của Nho giáo, của các nền văn hóa truyền thống Á Đông, trong đó có Việt Nam. Giữa không khí sôi động của đổi mới và hội nhập, là người được xã hội trao trọng trách chăm lo thế hệ cách mạng cho đời sau chúng ta càng thấy cái gốc đạo ấy của ông cha vẫn còn cần lắm cho mỗi chúng ta hôm nay để soi mình và tu mình.
Chúng ta tự hào được mệnh danh là kỹ sư tâm hồn, là người thiết kế dựng xây những nhân cách biết sáng tạo và yêu thương đáp ứng thời kỳ vươn ra biển lớn của con thuyền Việt Nam. Nếu không có nhân, không có bầu máu nóng ăm ắp yêu thương, không có tấm lòng chan chứa mến thân, thấu cảm, nâng niu với mỗi học trò, mỗi đồng nghiệp, mỗi mái trường ta gắn bó thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ thiêng liêng đó. Một người thầy mà lòng nhân cạn hẹp thì ắt sự thờ ơ, vô hồn vô cảm sẽ luôn đồng hành trong từng bài giảng, từng hành vi giáo dục. Học trò liệu rồi sẽ nhận được gì từ sự thụ giáo những người thầy như vậy? Nguy hiểm hơn khi lòng nhân của thầy thiếu thì làm sao giáo dục được lòng nhân cho trò. Nghĩa là khi lòng yêu trò yêu người bị cạn vơi, bị xơ cứng người thầy tìm đâu ra lòng yêu nghề. Khi sự vô cảm vô hồn đã ngự trị trong lòng thì sự hành xử của thầy tất sẽ cứng nhắc, thô bạo. Và như vậy sự khéo léo sư phạm sẽ đâu còn nữa. Lúc đó khoảng cách giữa thầy với trò đặc biệt với những trò chưa ngoan sẽ mãi là bức tường lửa khó vượt qua. Khi trò đã sợ thầy, chẳng yêu kính thầy thì thật khó tìm ra ở trò sự tha thiết hứng thú với việc học môn thầy dạy. Sự dốt, sự kém vì vậy sẽ dễ dàng đồng hành cùng những trò đó. Nhân thiếu thì tâm càng thiếu. Để bảo vệ cái danh hão, cái thành tích ảo người thầy lúc đó sẵn sàng cho học trò lên lớp bằng mọi giá. Thế là việc ngồi nhầm lớp với những trò ấy khó mà tránh khỏi.
Hiểu như vậy chúng ta mới thấy chữ nhân trong nghiệp làm thầy trước đây cũng như ngày nay có ý nghĩa biết chừng nào. Có nhân, có tâm, có tình thương sâu sắc với trò người thầy mới tìm thấy niềm vui, niềm động viên khích lệ sâu sắc trong từng ánh mắt trò; mới đủ bình tĩnh, sáng suốt, niềm tin và sự kiên nhẫn để cảm thông chia sẻ giáo dục cảm hóa mọi đối tượng trò, nhất là những trò cá biệt chưa ngoan. Một khi nhân đã sáng, tâm đã rạng thì dù khó khăn gian khổ đến đâu ta vẫn thấy xiết bao thanh thản, hạnh phúc, tự hào được gắn mình với sự nghiệp vinh quang ấy.
Khi đã có nhân người thầy sẽ tìm ra cách nâng cao trí. Và khi trí đã đủ tầm người thầy càng dễ dàng thực hiện thiên chức chữ nhân của mình. Song để đạt được điều đó ta không thể ỷ vào vốn liếng kiến thức đã học trong trường sư phạm. Bởi trong thời @này mọi thứ đang đổi mới từng ngày. Nếu ta không khát khao quyết chí say mê tự học tự cập nhập kiến thức ở mọi nơi mọi lúc từ trong các phương tiện truyền thông, sách báo, đặc biệt từ trong thực tế, trong đồng nghiệp ta sẽ không thể đáp ứng nhu cầu truyền thụ những tri thức mới theo phương pháp mới mà chương trình yêu cầu mà mỗi học trò háo hức đợi mong. Khi trí đã không đủ để làm thầy chính mình thì làm sao làm thầy được thiên hạ. Ngày nay trò không phải như xưa chỉ biết duy nhất tiếp nhận kiến thức từ thầy. Với sự trợ giúp của tin học các em chẳng những biết tiếp nhận, biết học hỏi khám phá vô vàn nguồn kiến thức mới lạ; kỳ thú ngoài nhà trường mà còn biết trở thành những nhà sáng tạo ngay ở tuổi tiểu học. Việc tự học, tự nâng cao trí vì thế không thể không trở thành thiết yếu như cơm ăn nước uống ngày ngày với mỗi nhà giáo chúng ta nếu ta không muốn mình tự loại mình khỏi chỗ đứng nơi bục giảng. Chỉ có thế ta mới đủ sáng suốt để soi mình, để nhận ra ta là ai; ta đang có gì, thiếu gì, cần gì, đổi mới, khám phá, sáng tạo gì để mỗi bài ta dạy, mỗi biện pháp ta giáo dục luôn long lanh mỗi niềm vui ta gặt hái được trong ánh mắt mỗi trò.
Trí còn giúp ta niềm tin để củng cố và thực thi lòng dũng. Giữa dòng đời đang cuồn cuộn những pha trộn cơ hội và thách thức, đục và trong, tốt và xấu nếu thiếu dũng ta sẽ khó giữ được nhân phát triển được trí. Và như vậy chức danh làm thầy sẽ khó giữ được uy và tín. Lúc đó sự cám dỗ với 1.001 những hình thái tiêu cực xảo trá sẽ chẳng mấy khó khăn làm liêu xiêu biến thái nhân cách người thầy. Để giữ được mình, giữ được đạo làm thầy giữa vòng xoáy những mặt trái của cơ chế thị trường hôm nay nhà giáo càng cần lắm chữ dũng hơn bao giờ hết. Dũng để dưỡng nhân. dũng để bồi trí. Có dũng ta mới có đủ bản lĩnh để chiến thắng chính mình trong cuộc “chiến” nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với việc vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp của học sinh.
Trong lịch sử giáo dục nước nhà biết bao nhà giáo mẫu mực còn sáng mãi tấm gương kết tinh tuyệt vời của nhân, trí, dũng. Hậu sinh khả úy. Tự hào là hậu duệ của những nhà giáo mãi mãi bất tử như Chu Văn An, Đồ Chiểu, Nguyễn Tất Thành… không lẽ nào mỗi nhà giáo trẻ chúng ta hôm nay lại không phát huy để ba chữ vàng ấy ngày một rực sáng thêm trong mỗi trái tim ta. Làm được vậy ta mới hy vọng khẳng định được mình trong sự nghiệp trăm năm trồng người nơi thành phố anh hùng mang tên Bác đang tự tin bước vào thời @ với biết bao cơ hội và thách thức mới.

























Nguyễn Ngọc Ký

 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top