Nghe, thấy, nghĩ, qua một buổi hòa nhạc cổ điển

Nguồn http://www.giaidieuxanh.com.vn/nhaccodien/2005/05/422611/
Nghe, thấy, nghĩ, qua một buổi hòa nhạc cổ điển

Hilary Hahn trong đêm diễn 6/5/2005

20h00 ngày 6/5/2005 tại Nhà hát Lớn Hà Nội có chương trình hòa nhạc cổ điển của nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ - Hilary Hahn - do Hennessy tài trợ. Là người chỉ có điều kiện theo dõi qua truyền hình trực tiếp của VTV1, xin có một vài ý kiến như sau:

Nghe...

Trước khi sân khấu mở màn, đã có quá nhiều bài báo ca ngợi thành tích của Hilary Hahn, cô nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ trẻ tuổi xinh đẹp và duyên dáng, đã từng nhận giải Grammy và danh hiệu Nghệ sĩ nhạc cổ điển trẻ tuổi nhất nước Mỹ năm mới 21 tuổi (2001).

Và đúng là "danh bất hư truyền", những gì cô thể hiện trong đêm 6/5/2005 tại Nhà hát lớn Hà Nội thật là tuyệt vời. Điều đáng nói đầu tiên đó là việc chọn bài biểu diễn của H.Hahn. Mở màn là Sonate cho violon và piano tác phẩm K.376. Đây không phải là một trong những sonate nổi tiếng của Mozart, nó rất ít được biểu diễn, có lẽ bởi vì không "đậm" chất Mozart lắm. Nhưng khuynh hướng của các nghệ sĩ trẻ ngày nay là biểu diễn để khám phá những cái mới với những tác phẩm mà trong quá khứ chưa được khai thác nhiều, để làm được điều này, người nghệ sĩ cần một bản lĩnh nghệ thuật và sự am tường về phong cách âm nhạc của từng tác giả cụ thể. Đó cũng là điều mà chúng ta thấy một số chương trình hòa nhạc thính phòng giao hưởng ở Việt Nam chưa thực hiện.

Còn Sonate số 3 cung Do trưởng, đây là một tác phẩm khó biểu diễn nhất và dài nhất trong số 6 sonate cho violon solo của J.S.Bach. Cả 4 chương của sonate này dài gần 30 phút mà chỉ độc diễn không có phần đệm, rất dễ đưa người nghe vào mê cung... nhàm chán. Thế nhưng Hilary Hahn đã làm được điều ngược lại, cô đã biểu diễn với sự hoàn hảo không còn chỗ nào để phàn nàn. Với những người "dễ tính" có lẽ sẽ thích chương IV - Allegro assai, với những giai điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, còn 3 chương kia thì sẽ có cảm giác hơi nặng nề. Nhưng thật ra trong đêm diễn, H.Hahn đã thể hiện rất tốt cả 4 chương, đặc biệt là chương II - Fuga với sự đối đáp mạch lạc giữa các bè, sự thể hiện tinh tế từng nốt nhạc, từng ý nhạc, và đây cũng là chương thể hiện bản chất âm nhạc của J.S.Bach.

Âm nhạc của J.S.Bach không có những cao trào kịch tính dữ dội như của Handel, Beethoven hoặc một số nhạc sĩ khác, âm nhạc của ông đi vào sự tinh tế của tâm hồn và chiều sâu của tư duy con người. Vì thế để diễn tả tốt những tác phẩm của Bach, người nghệ sĩ cần có cảm xúc tinh tế và quá trình trải nghiệm của cuộc sống. Nhưng với H.Hahn, một cô gái mới 25 tuổi biểu diễn tác phẩm Bach hoàn hảo như thế là điều thật tuyệt vời.

Hết Sonate số 3 của Bach cũng là lúc VTV1 cắt "rụp" không truyền trực tiếp nữa, vì vậy phần nghe cũng xin dừng tại đây...

Thấy...


Hilary Hahn

Với tôi, đây là lần đầu tiên thấy một chương trình có tài trợ mà sân khấu đã dành hết cho nghệ thuật, một sân khấu "sạch sẽ", không có những trang trí thừa (có đôi lúc nhố nhăng) biểu dương thương hiệu của nhà tài trợ như thường thấy trong những chương trình có tài trợ trên sóng truyền hình. Đó là biểu hiện một cách thiết thực nhất sự văn minh của môi trường văn hóa. Trước khi bắt đầu chương trình, trên màn hình TV có hiện lên quang cảnh sân khấu với chiếc đàn violon và một dòng chữ mà trong đó có từ "Hennessy". Rồi từ khi Hilary Hahn bước ra sân khấu cũng là lúc mà phông sân khấu không còn gì nữa ngoài một màu trắng tinh tuyền.

Cũng có thể do áp lực từ việc không được quảng bá những thương hiệu của rượu và thuốc lá, nhưng cũng qua đó để thấy rằng tuy không được đưa những hình ảnh hoặc tên thương hiệu nhưng vẫn có người sẵn sàng tài trợ - mà là tài trợ cao cấp. Đó là điều mà những người thực hiện những chương trình nghệ thuật có nhận tài trợ cần mạnh dạn, cương quyết hơn nữa, để cải thiện quang cảnh sân khấu nhằm đem đến cho người thưởng ngoạn một không gian nghệ thuật đúng nghĩa.

Hennessy đã rất quan tâm đến âm nhạc. Dòng họ Hennesy danh tiếng thế giới với hương rượu cognac, họ có cả một Hội âm nhạc Cognac hằng năm tài trợ đến 6 chương trình có qui mô lớn. Lần này là lần thứ 9 Hennessy tài trợ chương trình âm nhạc cổ điển biểu diễn tại Việt Nam (mà lần nào cũng với những solist tầm cỡ quốc tế). Đó là một đóng góp đáng ghi nhận của Hennessy trong việc phát triển loại hình âm nhạc bác học này ở Việt Nam.

Nghĩ...

Không riêng gì tôi mà rất nhiều người cũng có cảm nghĩ rằng, VTV1 chỉ truyền hình trực tiếp "nửa trận" là quá tiếc cho những người yêu nhạc cổ điển trên cả nước. Sau hai tác phẩm thì không truyền hình trực tiếp nữa, tôi được biết rằng sau phần giải lao còn có thêm Sonate cho violon và piano của Mozart (tác phẩm K.304) và Sonate số 1 (op.13) của Fauré.

Để có được một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế như Hilary Hahn đến biểu diễn không phải là dễ, và đó là cơ hội bằng vàng cho những người yêu nhạc cổ điển và những người đang làm công tác trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển trên toàn quốc. Nhưng, việc truyền hình "nửa trận" như thế không khác gì chỉ cho dân ghiền bóng đá xem hiệp một của trận chung kết bóng đá thế giới...

Riêng trong việc này, chúng ta thấy rằng ngay cả Đài Truyền hình TW cũng không thiết tha gì lắm với âm nhạc cổ điển nói riêng và "nâng cao thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc" nói chung... khi mà nền âm nhạc chúng ta đang có một sự mất cân bằng trầm trọng giữa thanh nhạc và khí nhạc, giữa nhạc đại chúng và nhạc bác học.
 
Cái đáng nói ở đây là cách mà xã hội chúng ta đang đối xử với âm nhạc cổ điển. Làm sao để thưởng thức nếu như người ta cố tình né tránh. Chúng ta đã có những nghệ sĩ đạt nhiều danh vọng trên thế giới nhưng hãy xem chúng ta lớp trẻ hiểu biết gì về họ . Để chứng minh cho điều này sau khi đọc xong bài này bạn đừng đi tìm thêm thông tin qua các phương tiện hãy kể tên 3 nghệ sĩ đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế về âm nhạc cho mình ( Âm nhạc <> ca nhạc nhé )
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top