Muốn học sinh thanh lịch, trước hết nhà giáo phải mẫu mực

lion

Moderator
Staff member
Hà Nội đang vào thu với tiết trời làm say đắm lòng người. Thầy và trò Thủ Đô cũng đang vui mừng đón chào 55 năm ngày giải phóng và hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nét hào hoa và thanh lịch luôn đọng lại trong những nụ cười của người Tràng An. Nhân dịp này báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện thân tình với ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc sở GD& ĐT Hà Nội.


Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu ĐộPV: Xin ông phác họa bức tranh của giáo dục Thủ Đô ngày đầu tiếp quản?
Ông Nguyễn Hữu Độ: Nhìn lại cách đây 55 năm, vào những ngày đầu của tháng 10/1954 lịch sử, ngành GD Hà Nội được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của chế độ thực dân quá nghèo nàn, cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường Tiểu học, 4 trường THPT, số này chỉ đáp ứng được khoảng 20% số trẻ đến trường vì vậy khoảng 80% số trẻ em - chủ yếu là con em nhân dân lao động bị thất học, khoảng gần 90% dân Hà Nội mù chữ. Giáo dục mầm non thì quá “non nớt” cả Hà Nội chỉ có 3 trường mầm non với 254 cháu. GDCN cũng chỉ có 1 trường chuyên nghiệp dân lập đào tạo một số nghề chủ yếu là nghề thủ công, đến nay giáo dục Hà Nội đã lớn mạnh rất nhiều lần cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Hà Nội đã phổ cập Giáo dục Tiểu học từ năm 1990 và phổ cập THCS năm 1999 và đang thực hiện phổ cập giáo dục Trung học để đáp ứng được với nhu cáu đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
PV: Và dấu mốc lịch sử tiếp tục mở ra từ năm học 2008-2009 vừa qua - một năm học đặc biệt?
Ông Nguyễn Hữu Độ: Thật đặc biệt. Bởi vì đó là năm học đầu tiên Hà Nội mở rộng địa giới hành chính với toàn bộ Hà Tây và một phần Vĩnh Phúc, Hoà Bình, lại đúng vào năm Hà Nội có trận lụt lịch sử và ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Quy mô lớn hơn, địa bàn rộng hơn, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng giáo dục ở các vùng miền cũng có sự chênh lệch. Từ lúc có 1013 trường học, 4 vạn giáo viên với tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, 70 vạn học sinh, đã cơ bản hoàn thành việc xoá các phòng học cấp 4 ở phổ thông, sau hợp nhất, giáo dục Thủ đô đã có quy mô 2391 trường, gần 95000 ván bộ giáo viên, 1.3 triệu học sinh với sự đa dạng cả về địa hình và dân cư lẫn điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.
PV: Thành phố đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để giáo dục Thủ đô mở rộng, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Độ: Vâng, đây là một điều kiện rất quan trọng để giáo dục Hà Nội Sau mở rộng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau khi đã tiến hành rà soát các điều kiện về CSVC, đội ngũ, chất lượng giáo dục và các cơ chế chính sách của các địa phương sau hợp nhất Ngành đã chủ động tham mưu đề xuất và được UBND và HĐND Thành phố phê duyệt 1 kế hoạch và 2 đề án quan trọng vào tháng 6-2009, đó là Kế hoạch 86 về việc thành phố ưu tiên dành 1500 tỷ đồng để xoá 5542 phòng học cấp 4 xuống cấp và phòng học nhờ, học tạm, phân kỳ thực hiện trong 2 năm 2009-2010, kế hoạch thể hiện được “5 rõ” (rõ địa chỉ đầu tư, rõ danh mục, rõ nguồn vốn, rõ tiến độ và rõ trách nhiệm). Điều đó thể hiện tính quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong chỉ đạo thực hiện để đạt được kết quả.
Thứ hai là Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015 với tổng kinh phí hơn 3000 tỉ đồng. Mục tiêu của Đề án là tăng cường các nguồn lực đầu tư cho Giáo dục Mầm non từ đội ngũ, cơ sở vật chất, các cơ chế chính sách, thực hiện việc chuyển đổi mô hình các trường mầm non theo đúng Luật giáo dục, thực hiện chương trình phổ cập 1 năm mẫu giáo 5 tuổi.
Thứ ba là Đề án xã hội hoá giáo dục Hà Nội đến năm 2015 với tổng kinh phí 5500 tỉ (trong đó hơn 3700 tỉ là ngân sách nhà nước, 1800 tỉ là huy động từ các nguồn khác), mà một trong những mục tiêu là thực hiện đa dạng hoá các loại hình trường học; thực hiện thí điểm một số trường hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ chất lượng cao; Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục Thủ đô.
Học sinh Trường Bưởi - Chu Văn An (Hà Nội)PV: Vậy thì theo ông, nhân tố quyết định nhất đến thành công của giáo dục Hà Nội mở rộng năm học vừa qua, để dẫn tới kết quả dẫn đầu giáo dục cả nước với 11/14 chỉ tiêu công tác, là gì?
Ông Nguyễn Hữu Độ: Theo tôi, phải nói đến sự đoàn kết, thống nhất trong quản lý sự quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành từ cơ quan Sở đến các đơn vị giáo dục tất cả vì việc chung vi chất lượng giáo dục và đào tạo Thủ đô. Trước hết là công tác tổ chức bộ máy các phòng ban của cơ quan Sở trên cơ sở hợp nhất bộ máy quản lý của 2 Sở giáo dục Hà Tây và Hà Nội. Với sự chỉ đạo của Thành uỷ và chính quyền thành phố, chúng tôi đã tiến hành việc sáp nhập này một cách nghiêm túc kịp thời, đoàn kết và nhanh chóng ổn định. Chúng tôi cũng đã được thành phố cho phép thành lập một phòng mới là Phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài, để quản lý chất lượng hoạt động của các Trung tâm tư vấn du học, các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố. Năm học đầu tiên đặc biệt này chúng tôi đã xác định là cần phải đặt lên hàng đầu mục tiêu: “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thật, hiệu quả cao” và kết quả của Kỳ thi cuối năm học đã biểu hiện tập trung nhất mục tiêu này. Với kỳ thi gần 90.000 thí sinh, 182 hội đồng thi huy động gần 12000 cán bộ giáo viên tham gia.coi thi và phục vụ kỳ thi, kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc an toàn, đúng quy chế và đã huy động được các lực lượng xã hội, các sở ban ngành Quận Huyện trong thành phố cùng vào cuộc cùng vào cuộc với ngành. Kết quả tốt nghiệp đạt 88,28%.(Hà Nội năm trước 92,3%, Hà Tây năm trước 67,7 %).
Chúng tôi đã cơ bản thống nhất phương pháp làm việc, thống nhất cách chỉ đạo điều hành và các cơ chế chính sách của 4 địa phương sau hợp nhất. Thống nhất phương thức tuyển dụng giáo viên: theo hướng phân cấp cho hiệu trưởng trực tiếp làm chủ tịch hội đồng tuyển dụng, Sở GD và Nội vụ chỉ làm nhiệm vụ Thanh tra kiểm tra. Kỳ thi tuyển trong tháng 3 năm 2009 đã diễn ra nghiêm túc chất lượng đã tuyển được gần 1000 GV đáp ứng được yêu cầu của mỗi nhà trường, giải quyết lấp đầy các khoảng trống về số lượng GV.
PV:Và cũng để xứng đáng với Bằng khen của Thủ tướng lần đầu tiên trao cho một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở một địa phương, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Độ: Vâng, đúng như vậy Bằng khen vừa được Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 18-9-2009. Rất mới và rất bất ngờ. Chúng tôi không biết có Sở nào cùng được nhận vinh dự này không (dẫn đầu phong trào thi đua khối các Sở giáo dục và đào tạo năm học 2008-2009). Anh em chúng tôi đều rất vui vì những nỗ lực trong năm học đầu tiên của Hà Nội sau hợp nhất đã được Chính phủ ghi nhận.
PV: Và giáo dục Thủ Đô sẽ chọn điểm nhấn nào trong năm học 2009-2010?
Ông Nguyễn Hữu Độ: Thực hiện chủ đề năm học của ngành là Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, chúng tôi xác định giáo dục Hà Nội vẫn phải tiếp tục thực hiện mục tiêu “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao” trong mọi hoạt động của ngành, từ việc dậy của thầy đến việc học của trò, từ việc quản lý chuyên môn, nhân sự, đến việc quản lý tài chính, CSVC, Từ các hoạt động tập thể đến các công tác đoàn thể. xã hội. Năm học trước ngành đã làm tốt, nghiêm túc thì năm nay phải Kỷ cương hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Về đổi mới quản lý sẽ tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho cơ sở. Xây dựng Quy hoạch phát triển GD thủ đô và quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tạo điều kiện cho việc xây dựng hệ thống các trường học của thành phố cân đối hài hòa giữa công lập và ngoài công lập, xây dựng thêm các mô hình trường học mới theo hướng cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, ngành cũng tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, Ngành đang xây dựng Đề án học phí mới theo quy định của Luật GD, nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với khả năng chi trả của người dân, theo dự kiến tháng 12 này sẽ trình Hội đồng nhân dân phê duyệt. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục các trường học trong đó KĐCLGD 100% các trường THCS trong Thành phố, chú trọng giải quyết các vấn đề sau kiểm định, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục.
Về nâng cao chất lượng giáo dục, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư bổ xung các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, đồ dùng dạy học thực hiện các chương trình kiên cố hóa trường lớp, chương trình chiếu sáng học đường, chú trọng đến công tác củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL GD. Toàn ngành tiếp tục chú trọng thực hiện đổi mới cách dạy cách học phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và phù hợp với năng lực của mỗi em học sinh. Chúng tôi.cũng đang suy nghĩ cần phải đổi mới một bước nữa cách tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi để đánh giá năng lực dạy hộc của giáo viên một cách thực chất đánh giá được cả về trình độ kiến thức, và năng lực sư phạm.
PV: Có thể phác hoạ hình ảnh nhà trường Hà Nội, nhà giáo Hà Nội từ bây giờ, trước thềm Thủ Đô ngàn năm tuổi?
“Đã là nhà giáo thì phải mẫu mực, nếu không mẫu mực tức là người đó đã tự bước ra khỏi đội ngũ nhà giáo trong mắt học trò. Hà Nội quyết tâm thực hiện tốt cuộc vân động xây dựng nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội” .Ông Nguyễn Hữu Độ: Cách đây 4 năm, Hà Nội đã phát động cuộc vận động lớn trong GD Hà Nội là xây dựng “Nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”. Nhà trường văn hoá mà Hà Nội hướng tới là một ngôi trường có khung cảnh đẹp, nền nếp tốt, chất lượng cao và mang đậm văn hoá thanh lịch của Hà Nội. Nhà giáo Hà Nội mẫu mực phải có phẩm chất tốt, phong cách đẹp, chuyên môn giỏi. Đã là nhà giáo thì phải mẫu mực, nếu không mẫu mực tức là người đó đã tự bước ra khỏi đội ngũ nhà giáo trong mắt học trò. Để hỗ trợ nhà giáo có điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Thành phố dành ngân sách 11,5 tỉ đồng cho công tác bồi dưỡng giáo viên. Ngoài ra là dự án nâng cao năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin cho giáo viên, đổi mới trong tuyển dụng, sử dụng, đề bạt bổ nhiệm và đãi ngộ nhà giáo. Hà Nội đang xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút người tài, Thành phố đang xây dựng dự thảo Luật Thủ đô trên cơ sở pháp lệch thủ đô, trong đó có chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức của thủ đô. Giải quyết các vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo cũng có nghĩa là giải bài toán gốc cho nâng cao chất lượng giáo dục.
Về nội dung Học sinh thanh lịch, chúng tôi đang tiến hành xây dựng bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống Thanh lịch văn minh cho học sinh thủ đô” để giảng dạy trong các trường học của Hà nội, năm học này vừa tổ chức biên soạn vừa triển khai giảng dạy thí điểm và dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào thực hiện đại trà trong năm học tới. Chúng tôi cho rằng đây không chỉ là tài liệu để dùng cho học sinh, mà còn được dùng cho các nhà giáo Hà Nội, các bậc cha mẹ học sinh tham khảo nghiên cứu để cùng xây dựng cho thế hệ tương lai của Thủ Đô một cuộc sống, một phong cách hào hoa và thanh lịch của người Tràng An.
PV: Cảm ơn đồng chí Giám đốc. Chúc giáo dục Hà Nội bước vào Đại lễ với một tư thế mới của nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch, xứng đáng với Hà Nội thủ đô nghìn năm văn hiến.
Nguyễn Hoàng (Thực hiện)






Theo GD&TĐ
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top