Môi trường làm việc tốt và được trọng dụng... - Phỏng vấn

Môi trường làm việc tốt và được trọng dụng...
http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/nhaccodien/2005/09/485784/

Nghệ sĩ Quốc Trường

Nghệ sĩ violon Nguyễn Quốc Trường, trước đây là sinh viên Nhạc viện Tp.HCM, những năm 1997-2003, anh học tại Nhạc viện England, Boston, Mỹ. Sau đó anh tiếp tục học cao học và vừa tốt nghiệp với thứ hạng xuất sắc. Lúc còn là sinh viên Nhạc viện Tp.HCM, anh cũng đã học chỉ huy dàn nhạc với Gs. Quang Hải. Tại Mỹ, ngoài biểu diễn violon, anh cũng tham gia với vai trò chỉ huy dàn nhạc. Hiện Quốc Trường là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng New World Symphony ở Miami Beach, Florida, Mỹ. Trong lần về biểu diễn ở Tp.HCM vào tháng 8/2005 vừa qua, Trường vừa biểu diễn violon vừa chỉ huy dàn nhạc.

Mặc dù rất bận rộn, Quốc Trường cũng đã dành thời gian trò chuyện cùng Giai Điệu Xanh một số vấn đề liên quan đến âm nhạc hàn lâm. Mời các bạn cùng theo dõi.

Cảm tưởng của Trường trong chuyến về nước tham gia biểu diễn lần này?

Cảm giác chung là rất vui khi thấy các cấp lãnh đạo văn hóa thành phố rất quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc hàn lâm, và cũng rất vui khi gặp lại nhiều bạn bè và được cùng nhau biểu diễn như trong một liên hoan...

Trường có nhận xét gì về âm nhạc giao hưởng thính phòng thành phố trước đây và hiện nay?

Trường đã đi học ở nước ngoài gần 10 năm., nên không tường tận lắm, nhưng thấy rằng so với thời gian trước đây thì lĩnh vực âm nhạc này có nhiều phát triển. Có những buổi biểu diễn định kỳ, có nhiều nghệ sĩ, chỉ huy nước ngoài đến làm việc và biểu diễn. Về khán giả, đã có nhiều người Việt Nam hơn, khác với trước đây trong những buổi biểu diễn đa số là khán giả ngoại quốc.

Theo Trường, khác nhau cơ bản của việc học và dạy violon ở Mỹ và Việt Nam là gì?

Trường có may mắn là được học với các thầy rất giỏi ở Việt Nam như thầy Bùi Công Thành, Bích Ngọc... đa số các giảng viên ở Nhạc viện Tp.HCM là được đào tạo tại Liên Xô. Khi sang Mỹ học thì được tiếp xúc với trường phái violon khác. Việc dạy và học cũng khó so sánh, bởi nước ngoài họ có nhiều điều kiện hơn và có bề dày truyền thống hơn mình.

Là nghệ sĩ violon nhưng thấy Trường còn chỉ huy nữa, phải chăng chỉ huy là chuyên ngành thứ hai của Trường?

Trước đây, khi học đại học ở Nhạc viện Tp.HCM, Trường học cả violon và chỉ huy dàn nhạc, nhưng chưa tốt nghiệp thì Trường đã sang Mỹ học, và ở bên đó vì không có điều kiện nên Trường chỉ học violon. Còn chỉ huy dàn nhạc thì được học như một môn kiến thức bổ trợ. Tuy vậy, điều kiện học ở Mỹ có nhiều thuận lợi hơn, những buổi lên lớp đều có dàn nhạc đánh cho mình tập. Hiện nay, Trường là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng New World Symphony ở Miami Beach, Florida, đã đi biểu diễn rất nhiều nơi. Chính trong dàn nhạc này, Trường được học hỏi rất nhiều về chỉ huy từ những nhà chỉ huy nổi tiếng thế giới đến làm việc với dàn nhạc.

Tại Mỹ, Trường có thường xuyên biểu diễn với cương vị chỉ huy dàn nhạc không?

Trường biểu diễn chỉ huy dàn nhạc ở Mỹ lần đầu tiên là với tác phẩm Academic festival ouverture của Brahms tại Boston. Còn nơi mà mình học, Trường thường xuyên chỉ huy cho dàn nhạc trẻ em ở đó tập luyện.

Ý tưởng hoặc điều kiện nào đã đưa Trường đến với bộ môn chỉ huy?

Ngày xưa, bố Trường muốn Trường sau này trở thành một nhà chỉ huy, nhưng hồi nhỏ Trường thích violon rồi học cho đến lớn. Nếu chơi nhạc cụ, đó là sự sáng tạo của riêng cá nhân thì chỉ huy là sự biểu diễn có sự hợp tác của cả dàn nhạc, là một nghệ thuật tạo nên bởi sự tham gia của rất nhiều người, điều mà Trường rất mê...

Ở thời điểm hiện nay, về Việt Nam làm việc có phải là điều kiện chưa thuận lợi đối với những nghệ sĩ trẻ như Trường?

Đúng là hiện nay chưa phải điều kiện lý tưởng, tuy dòng nhạc giao hưởng có phát triển so với một, hai thập niên trước nhưng nó cũng chưa thật sự được mọi người biết đến nhiều, do vậy nó còn ít công chúng và ít hoạt động. Thêm vào đó, thu nhập của những người làm công tác ở lĩnh vực này còn quá thấp.

Có lúc nào nghĩ mình sẽ về Việt Nam làm việc?

Điều này thì có, Trường cũng sẽ về Việt Nam làm việc vào thời điểm phù hợp. Nhưng trước mắt là mong muốn hàng năm được trở về cùng biểu diễn với các nghệ sĩ trong nước.

Theo Trường, điều tiên quyết để các nghệ sĩ trẻ trở về nước làm việc là gì?

Đó là đuợc sống và làm việc trong môi trường nghề nghiệp tốt và được trọng dụng.

Qua Giai Điệu Xanh, Trường có muốn tâm sự gì với tất cả các đồng nghiệp?

Trường rất mong muốn âm nhạc hàn lâm ở trong nước có sự phát triển mạnh. Các bạn ở nước ngoài như Trường, tùy hoàn cảnh, điều kiện của mình mà đóng góp vào sự phát triển ở trong nước và luôn nỗ lực vươn lên để trở thành những nghệ sĩ giỏi, một ngày nào đó sẽ trở về Việt Nam để cùng xây dựng dòng nhạc này phát triển vững mạnh.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top