Kẻ giật dây Quốc Vượng bán độ là cựu TTQG Trương Tấn Hải ><

ark

Active Member
http://www.dantri.com.vn/The-Thao/2006/8/137076.vip

Thứ Năm, 24/08/2006 - 8:29 AM


Trương Tấn Hải, kẻ đứng sau lưng vụ bán độ của U23 VN tại SEA Games 23.

Hôm qua (23/8), Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cho biết, cơ quan này đã khởi tố bị can đối với Trương Tấn Hải - cựu TTQG, cựu tiền đạo Cảng Sài Gòn - về tội danh tổ chức đánh bạc, liên quan trực tiếp đến vụ tiêu cực của các tuyển thủ VN ở SEA Games 23.



Đó không phải một trùm độ theo kiểu xã hội đen như Lê Trọng Hoàng, tức Hoàng “võ” ở quận Long Biên, không phải trùm độ “cổ cồn trắng” như Nguyễn Trung Hiếu, tức Hiếu “béo”ở quận Hoàn Kiếm, càng không phải đang bị truy bắt như thông tin được đăng tải trên một số tờ báo vài ngày qua.



Từ chiến dịch dùng tiền mua Cúp Vô địch của SLNA



“Tổng đạo diễn” vụ bán độ tại SEA Games 23 chính là một “người quen” của Ban chuyên án chống tiêu cực trong bóng đá: Trương Tấn Hải, cựu tiền đạo của đội bóng Cảng Sài Gòn, người đang “nằm khám” trong trại giam của Bộ Công an.



Trương Tấn Hải đã bị cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội “Tổ chức đánh bạc”, phạm vào Điều 249, Bộ luật Hình sự ngay tại...trại giam vì hành vi câu kết với tiền vệ Lê Quốc Vượng để bán rẻ danh dự quốc gia tại SEA Games.



Theo kết quả điều tra của Bộ Công an, việc Trương Tấn Hải trở thành kẻ giật dây việc bán độ tại SEA Games 23 ít nhiều xuất phát từ vụ mua bán chức Vô địch quốc gia mùa bóng 2000-2001.



Khi còn khoác áo đội bóng Cảng Sài Gòn, Trương Tấn Hải là người có những mối quan hệ đặc biệt với các cầu thủ Sông Lam Nghệ An.



Ở mùa bóng 2000-2001, Nam Định và Sông Lam Nghệ An là 2 đội bóng trực tiếp cạnh tranh chức Vô địch trong khi đối thủ của họ là Cảng Sài Gòn và Công an TPHCM đều trong tình trạng không thể vươn lên tốp dành huy chương và cũng không thể bị xuống hạng nên đã hết mục tiêu để phấn đấu.



Trước vòng đấu cuối cùng, Nam Định đang dẫn đầu bảng, có lợi thế hơn Sông Lam Nghệ An 1 điểm. Vì thế, Sông Lam chỉ có thể vô địch khi có 3 điểm trong trận gặp Công an TPHCM tại sân Vinh, đồng thời, trong trận đấu diễn ra cùng giờ tại sân Thống Nhất, Nam Định phải thất thủ trước Cảng Sài Gòn.



Sông Lam Nghệ An đã tung ra chiến dịch dùng tiền mua chức vô địch vào đúng thời điểm đó với việc Nguyễn Hữu Thắng nhận nhiệm vụ bay vào TP.HCM, dùng 300 triệu đồng “chích” cho các cầu thủ Cảng Sài Gòn. Tiền đạo Trương Tấn Hải của Cảng chính là người đã được “chọn mặt gửi...tiền”.



Trước trận đấu gặp Nam Định trên sân Thống Nhất, Trương Tấn Hải do gặp chấn thương nên không phải ra sân tập cùng đồng đội. Tranh thủ cơ hội này, Trương Tấn Hải đã ra ngoài “làm giá” với Nguyễn Hữu Thắng, người được ban lãnh đạo đội Sông Lam Nghệ An đặc phái vào TP HCM để tìm cách móc nối, dàn xếp tỷ số.



Trong cuộc mua bán diễn ra sau đó, Nguyễn Hữu Thắng đạt được thoả thuận với Trương Tấn Hải bằng mức giá 250 triệu đồng để đá văng Nam Định ra khỏi cuộc đua.

Với những người hâm mộ Việt Nam, mùa giải năm đó thực sự là một trò hề trên sân cỏ: Trước vòng đấu cuối cùng, dù Nam Định đang có lợi thể hơn 1 điểm nhưng Ban Tổ chức lại bê sẵn Cúp về đặt ở sân Vinh.



Trước khi bóng lăn, ban huấn luyện và các cầu thủ Sông Lam Nghệ An và Công an TP HCM đều đã đá bóng trên bàn rượu: Đội Công an TP HCM nhận được 65 triệu đồng để nằm sân và đã thua 2-3 theo đúng kịch bản.



Tại trận đấu diễn ra cùng giờ, Cảng Sài Gòn thắng đội bóng thành Nam với tỷ số 5-0 theo đúng “hợp đồng” mà Trương Tấn Hải và Nguyễn Hữu Thắng ký kết.



Trương Tấn Hải của Cảng Sài Gòn trong trận đấu đó dù không ra sân nhưng góp công đầu trong chức Vô địch của Nghệ An vì đã mang 250 triệu đồng nhận từ Nguyễn Hữu Thắng để ăn chia với các đồng đội.



Trong các cầu thủ khoác áo Cảng mùa bóng đó, có 4 cựu tuyển thủ quốc gia gồm Hồ Văn Lợi, Huỳnh Hồng Sơn, Nguyễn Phúc Nguyên Chương và thủ môn Nguyễn Văn Phụng diễn kịch hiệu quả nhất nên nhận được cat -xê “loại A” là 40 triệu đồng/người.



Sau khi mua Cảng với giá 250 triệu, Nguyễn Hữu Thắng về Nghệ An nâng khống giá vụ mua bán này thành 300 triệu để “quyết toán” với CLB. Vì lý do này, cả 6 cầu thủ nêu trên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó, Nguyễn Hữu Thắng bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”, 5 cầu thủ Cảng Sài Gòn gồm Trương Tấn Hải, Huỳnh Hồng Sơn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Phúc Nguyên Chương và Nguyễn Văn Phụng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”.



Liên quan đến vụ án, HLV phó kiêm thủ quỹ CLB Sông Lam Nghệ An là Nguyễn Xuân Vinh bị Khởi tố bị can về tội “Tham ô tài sản”. Nguyên nhân là sau khi Công an TPHCM trả lại 60 triệu đồng tiền thù lao “nằm sân”, Nguyễn Xuân Vinh đã tư túi thay vì nhập quỹ đội. Sau này, có thông tin cho rằng Nguyễn Xuân Vinh đã đem số tiền này đi đổi thành tiền USD để giao lại cho vợ HLV Nguyễn Thành Vinh.
 

ark

Active Member
Đến vụ bán rẻ danh dự Tổ quốc tại SEA Games 23



Sau việc góp công đầu trong chiến dịch dùng tiền mua chức Vô địch mùa giải 2000-2001, Trương Tấn Hải có mối quan hệ đặc biệt với một số cầu thủ Nghệ An. Khi SEA Games 23 diễn ra tại Philippines, Trương Tấn Hải đã giải nghệ và trở thành một đầu mối cá độ bóng đá lớn tại TPHCM. Trong khi đó, nhóm cầu thủ Nghệ An lại giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đội tuyển quốc gia.



Trước trận đấu giữa U23 Việt Nam- U23 Myanmar tại vòng đấu bảng SEA Games, từ TPHCM, Trương Tấn Hải đã móc nối, đặt độ với Lê Quốc Vượng. Quốc Vượng sau đó đã lôi kéo Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh tham gia dàn xếp tỷ số. Cả 7 tuyển thủ của Việt Nam đã cá độ vào cửa... Myanmar.



Tuy nhiên, trong khi Văn Quyến và các đồng đội chỉ cá độ bằng khoản tiền thưởng- ước khoảng 20-30 triệu đồng/người thì Quốc Vượng, sau khi nhận được sự đồng tình của các đồng đội về việc bán độ đã “làm ăn lớn” bằng cách liên lạc với đầu mối cá độ ở TPHCM là Trương Tấn Hải đặt một kèo độ trị giá 500 triệu đồng.



Đây là một kèo độ đã được các đối tượng tính toán rất kỹ.

Trước SEA Games 23, tâm lý nghi ngờ các cầu thủ trong nước không “đá sạch” đã khiến dân cá cược không chơi độ trong những trận bóng đá nội địa mà chỉ cá độ tại cúp C1 và các giải Ngoại hạng Anh, Italia, Tây Ban Nha...



Đến khi chuyên án chống tiêu cực trong bóng đá được cơ quan điều tra tiến hành rất mạnh tay, không ai tin rằng các cầu thủ còn dám bán độ nên dân cá cược mới bắt đầu chơi độ trong những trận thi đấu có đội tuyển U23 tham gia.



SEA Games 23, kết quả bốc thăm đã đưa đội tuyển bóng đá nam Việt Nam rơi vào bảng đấu mà các phóng viên thể thao vẫn gọi là “bảng tử thần”.



Tuy nhiên, sau 2 trận đầu ra quân giành thắng lợi 2-1 trước đối thủ Singapore và đặc biệt là trận thắng tưng bừng 8-2 trước tuyển U23 của Lào nên trước trận đấu thứ 3 gặp Myanmar, niềm tin của người hâm mộ đặt vào đội tuyển U23 Việt Nam là rất lớn.



Trận đấu đó, đội tuyển Việt Nam được đánh giá trên cơ nên thị trường cá độ ra “kèo” Việt Nam “thắng 1 trái chấp nửa tiền”. Điều này có nghĩa là, khi người hâm mộ nhận cửa Việt Nam thì đội tuyển của chúng ta phải thắng từ 2 bàn trở lên mới thắng độ.

Trong mọi trường hợp khác, người hâm mộ sẽ mất tiền, kể cả khi U23 Việt Nam thắng chênh lệch 1 bàn vẫn mất nửa tiền (đánh 1.000.000đ mất 500.000đ).



Trận đấu đó đã được Trương Tấn Hải “đặt hàng” một số tuyển thủ chỉ thắng với cách biệt tối thiểu.



Ngày 24/11/2005, sau cuộc họp kỹ thuật giữa đội U23 Việt Nam và U23 Myanmar, 5 cầu thủ Lê Quốc Vượng, Lê Văn Trương, Phạm Văn Quyến, Trần Hải Lâm, Lê Bật Hiếu họp nhau tại Phòng 214 khách sạn nơi đội tuyển bóng đá nam trú quân ở Bacolod, Philippines.



Trong “cuộc họp bán độ” này, Lê Quốc Vượng đã bàn với 4 cầu thủ còn lại về việc chỉ đá thắng Myanmar với cách biệt tối thiểu để vừa nhận được tiền thưởng của VFF vừa nhận được tiền của các chủ độ (theo thoả thuận, mỗi cầu thủ tham gia bán độ sẽ nhận được từ 20 đến 30 triệu đồng).



Việc dàn xếp tỷ số được cả 5 cầu thủ đồng ý. Phạm Văn Quyến “động viên” thêm những đối tượng tham gia bán độ: “dù sao, thắng 1-0 cũng là thắng”.



Sau cuộc họp bàn của nhóm cầu thủ trên, Lê Quốc Vượng kêu Lê Văn Trương rủ thêm đội trưởng Phan Văn Tài Em, tiền vệ Tấn Tài và hậu vệ Châu Lê Phước Vĩnh.



Sau khi biết ý đồ bán rẻ danh dự Tổ quốc của nhóm cầu thủ nêu trên, đội trưởng Phan Văn Tài Em đã kịch liệt phản đối và báo cáo lại sự việc với BHL người Việt trong đội tuyển. Thông tin này đã không được các trợ lý báo cáo lên HLV A.Riedl để kịp thời chặn đứng âm mưu đen tối của nhóm cầu thủ bán độ.



Chính vì vậy, trận đấu sau đó đã kết thúc với tỷ số 1-0 đúng như đơn đặt hàng của các chủ độ. Tiền độ chảy vào túi của những ông trùm cá cược bóng đá trong nước và quốc tế. Tất nhiên, một phần tiền đã được chia cho những con sâu đã bán rẻ danh dự Tổ quốc.



Ngày 5/12/2005, sau khi hoàn thành “nhiệm vụ bán độ” tại Philippines, Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến và Lê Bật Hiếu đã lưu lại TP HCM chứ không tiếp tục bay ra Hà Nội cùng đội tuyển.



Trong thời gian ở tại KS Thanh Bình 1, quận Tân Bình, Phạm Văn Quyến gọi điện cho Lê Quốc Vượng đòi tiền độ. Quốc Vượng sau đó đã cùng một phụ nữ tới khách sạn đưa cho Văn Quyến một chiếc phong bì. Văn Quyến trên đường đi taxi ra sân bay Tân Sơn Nhất đã mở phong bì và đếm được 20 triệu đồng.



Số tiền 20 triệu đồng là tang vật trong vụ bán độ mà Lê Quốc Vượng đưa cho Văn Quyến sau này, cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ trong tủ quần áo của Văn Quyến tại bản doanh CLB ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An.



Ngày 20/12/2005, Lê Quốc Vượng và Phạm Văn Quyến bị cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt khẩn cấp và đưa vào “nhận phòng” tại trại giam T16.



Cùng với quyết định bắt khẩn cấp Lê Quốc Vượng và Phạm Văn Quyến, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố vụ án bán độ về 2 tội danh “Đánh bạc” theo Điều 248; “Tổ chức đánh bạc và gá bạc” theo Điều 249 BLHS.



Tuy nhiên, vai trò điều phối hoạt động bán độ từ Việt Nam của Trương Tấn Hải thì gần đây, cơ quan điều tra mới phát hiện.

Cho đến thời điểm này, trong trại giam, cả Quốc Vượng và Trương Tấn Hải đã thừa nhận hành vi phạm tội nêu trên của bản thân.



Về vật chứng của vụ án, ngoài việc thu giữ 20 triệu đồng tiền thắng độ của Văn Quyến, 40 triệu đồng của Quốc Anh (bao gồm cả phần của Châu Lê Phước Vĩnh), 20 triệu đồng của Bật Hiếu... cơ quan điều tra cũng đã cơ bản thu giữ đủ số tiền 500 triệu đồng thắng độ của Quốc Vượng.



Cùng với việc điều tra, làm rõ đối tượng chủ mưu trong vụ bán độ của nhóm tuyển thủ quốc gia tại Philippines, hồ sơ vụ án bán độ tại SEA Games 23 đang được cơ quan điều tra khẩn trương hoàn tất chuyển tới Viện KSND Tối cao để đề nghị truy tố Trương Tấn Hải, Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến... trước pháp luật.

Theo Ng. Hạnh
VTC
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top