Hãy giữ lấy cốt cách ứng xử từ gia đình ra xã hội của người Hà Nội

lion

Moderator
Staff member


Lối sống và nếp sống mỗi thời đại đều có sự chuyển biến cùng với phong tục tập quán cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Có những điều là hay, là niềm tin với thời này, sẽ thành không hay, lạc hậu với thời khác. Nhưng cốt cách, lõi truyền thống thì cần phải phải được bảo tồn và giữ gìn cho muôn đời sau.
Hà Nội là trái tim đất nước, là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của mọi miền, mọi dân tộc, để kết tinh và tỏa sáng ra cả nước. Đó cũng là nơi đầu mối hội nhập của các luồng văn hóa năm châu, trong đó có những cái tốt phù hợp có thể tiếp nhận, nhưng cũng không ít cái khác lạ với phong tục phương Đông. Nét đẹp bao trùm văn hóa đô kỳ là chất thanh lịch, hào hoa, phong nhã của người kẻ chợ. Họ có những thứ “kiêng” làm tốt cho con người. Như kiêng nói tục, chửi bậy, to tiếng buổi sớm mai, có va chạm thì giải quyết bằng hòa giải, không đao to búa lớn với nhau. Tìnhthân thiện gắn bó giữ con người với con người và với môi trường sống.
Còn trong nhà có gia phong làm cái gốc chủ đạo. Trên ra trên, dưới ra dưới, biết nghe lời nói phải để tự sửa mình. Con em trong nhà làm điều gì sai trái phải đem cơi trầu đến nhà thờ họ, tạ gia tiên, xin hối lỗi sẽ được tha thứ.
Thờ cúng gia tiên đã trở thành truyền thống trong mọi gia đình. Một thứ đạo tâm linh in sâu vào lòng người và được tôn trọng như luật pháp. Trước ban thờ thường có bức hoành mang các chữ lớn như “Ẩm hà tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn) hoặc “Đức lưu quang” (Đức tỏa sáng) làm châm ngôn cho con cháu noi theo. Một chữ “Tâm”, chữ “Đức”, chữ “Nhẫn” treo trên tường đâu phải chỉ để trang trí, mà còn là lời dạy, lời răn về cách ăn ở và xử thế với đời.
Tập tục truyền thống của ông cha ta nằm trên cái trục: “Nhà – họ - làng – nước”. Nhà – gia đình là thế bào của xã hội. Muốn có mái ấm, người trên phải tu thân, phải làm gương tốt mới có thể tề gia, rồi từ đó ra giúp làng, giúp nước làm tròn nghĩa vụ công dân.
“Dột từ nóc” sẽ rất khó chữa. Người trong nhà cùng máu mủ ruột già phải biết bảo an, khuyên nhủ nhau, đừng để thiên hạ phải góp lời can thiệp, còn bất đồng đến mức đưa nhau ra tòa là nhà vô phúc.
Trong họ cùng chung dòng máu tiên tổ chảy trong người, phải biết yêu thương, giúp đỡ nhau, động viên nhau làm sáng danh dòng họ. Có một chốn nhà thờ để hàng năm đi về cúng giỗ, chạp mộ, nhận họ hàng, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Nhiều họ còn đặt ra lệ khen thưởng các cháu hiếu học, thi đỗ cao, những người được tặng các danh hiệu thi đua cao quý của Đảng và nhà nước, các cụ cao tuổi được mừng thọ, kính già để tuổi cho.
Gia phả của nhà, tộc phả của họ là cuốn sử ghi chép lại sự kiện và con người qua các đời để rút ra những bài học cho các thế hệ sau, theo cái tốt, trừ cái xấu, nối tiếp truyền thống của ông cha.

Người trong làng, trong phố, trong phường nếu không năm, bảy đời sống bên nhau thì cũng là bốn phương hội tụ nơi đất lành, chim đậu, cần phải “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Họ đoàn kết với nhau trong cộng đồng, lập quy ước chung, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa chung, cùng chăm lo cho cái xã hội nhỏ để góp vào cái nền của xã hội lớn. Nhà có cao tầng, nhiều phòng ốc hiện đại, mà con người cứ khép kín trong đó không cần biết làng xóm láng giềng là ai, sống đơn độc hỏi còn vui nỗi gì?
Cao hơn tất cả là đất nước. Mọi người đều cần phải tôn trọng luật pháp, đều có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ. Ta tự hào là con Rồng, cháu Tiên, là con dân, của tổ quốc anh hùng, của Thủ đô. Phẩm giá con người, của thành phố vì hòa bình, ta phải có lối sống đô thị văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho con người Việt Nam trên đường hội nhập toàn cầu. Cần phải khắc phục những gì là hủ tục, lạc hậu, lãng phí, phô trương, ăn ở xô bồ tùy tiện, lối kẻ quê cũng như tránh học đòi, a dua theo mốt phương Tây, không phù hợp với truyền thống dân tộc, để người Hà Nội giữ cái nền văn hóa xứng đáng với nghìn năm văn hiến đất Thăng Long.
Điều giản dị:
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Cháu Thu năm nay đang học lớp 5, năm nào cháu cũng là học sinh giỏi. Điều đáng trân trọng ở cháu là hễ có cuộc vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt, chất độc da cam…là cháu hăng hái tham gia ngay, dù ít dù nhiều. Ấy là chút tiền từ bớt ăn quà sáng, mua sắm chưa cần thiết được ông bà, bố mẹ cho, tiền mừng sinh nhật hoặc Hội khuyến học thưởng cho cháu mỗi lần đạt học sinh giỏi.
Mẹ cháu kể: Lúc cháu lên 8 tuổi, một hôm đọc báo thấy có mục“Địa chỉ sẻ chia” và “Hồi âm sẻ chia”, trong đó có một bài viết về một gia đình khó khăn do có 3 người con bị di chứng chất độc da cam, cháu rơm rớm nước mắt. Cháu hỏi tôi: “Mẹ ơi, chất độc da cam là thế nào ạ?”. Tôi giải thích cho cháu biết về chất độc da cam do Mỹ rải xuống rất thảm khốc ở miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, để lại di chứng rất lớn cho con người nhất là những đứa trẻ. Cháu bảo tôi: “Mẹ ơi! Mọi lần mẹ ủng hộ thế nào, cho con tham gia với!”. Tôi ngạc nhiên lắm, con mình còn bé quá, có nên để cháu lưu tâm vào việc này? Tôi khuyên cháu nên học tốt đã, làm được việc kiếm ra tiền rồi làm việc thiện sau. Cháu khăng khăng: “Mẹ chẳng thường nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” sao? Con có ít ủng hộ ít, gọi là tấm lòng mà”. Từ hôm đó, cháu sống rất giản dị, không đua đòi như các bạn cùng trang lứa. Mỗi lần được thưởng cháu đều đưa tiền cho mẹ cất giữ và hễ nghe thấy có cuộc ủng hộ nào là cháu lấy số tiền đó ra gửi mẹ góp vào.

Chuyện cháu làm việc thiện khiến cả nhà cảm động và rồi trở thành nếp sống đẹp lan toả đến mọi người. Từ ông bà nội, đến các cô gì, chú bác ai cũng “theo gương” cháu, tích cực gương mẫu đi đầu làm từ thiện. Nhưng nếu ai nhắc tới việc làm ân tình này, cháu lại rất khiêm nhường: “Cháu làm được bao nhiêu đâu, nhiều người góp hàng triệu đồng ấy chứ. Cháu chỉ làm theo lời Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” thôi mà!”. Giữa cuộc sống xô bồ nơi đô hội, hình ảnh của một cháu bé giàu lòng nhân ái như thế quả là một nét đẹp của người Tràng An.
Trần Đình
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top