Đường thi và nhạc cổ điển

Đường thi và nhạc cổ điển
Sưu tầm
Nguồn http://www.evan.com.vn/Functions/WorkContent/?CatID=4&TypeID=20&WorkID=1805&MaxSub=1805
Phùng Hồng Kổn
Trong rừng hoa muôn màu của thơ ca thế giới, Đường thi nổi lên như một mảng rực rỡ, ngạt ngào hương sắc. Hơn 48.000 bài thơ của hơn 2.300 thi sĩ đã tạo nên một bảo tàng thơ “không tiền khoáng hậu” không chỉ trong lịch sử Trung Quốc mà cả trên toàn cầu. Với nội dung phong phú, sâu sắc, với nghệ thuật trác tuyệt, mỗi bài thơ Đường như một bông hoa ngát hương, làm say đắm bạn đọc mọi nơi, mọi thời đại. Ở Việt Nam, một thời kỳ dài, các nhà nho làm thơ theo lối Đường luật và đã có rất nhiều bài thơ hay, hiện nay vẫn còn rất nhiều người thích làm thơ theo thể này. Những ai từng đọc thơ Đường đều biết rằng niêm luật thơ hết sức chặt chẽ, tới mức mà một số nhà khoa học đã chứng minh được chúng tuân theo các quy tắc toán học rất phức tạp 1. Ấy thế nhưng thơ Đường lại chan chứa tình cảm, lại dạt dào âm thanh.

Yêu thơ Đường, mê nhạc cổ điển châu Âu, người viết bài này có sự cảm nhận có lẽ chẳng giống ai - nhưng dẫu sao vẫn mạo muội trình bạn đọc, với hy vọng trên đường đời tấp nập này có một vài người tri âm - cũng là mãn nguyện lắm rồi.


Bản Prelude

Đăng u châu đài ca 2 (Trần Tử Ngang)

Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên nhi thế hạ.

Dịch nghĩa

Bài ca lúc lên đài U châu

Trước không thấy người xưa,
Sau không thấy kẻ sắp đến.
Ngẫm trời đất thật không cùng,
Một mình bùi ngùi nhỏ nước mắt.

Khởi thuỷ, Prelude có nghĩa là dạo ngón trên đàn Luth (luyt). Thời xưa, các ca sĩ thường tự dạo một khúc nhạc trên đàn Luth trước khi hát, sau này người ta dùng từ Prelude để chỉ một đoạn nhạc ngẫu hứng dạo đầu - với ý tưởng gợi mở. J.Bach là người đầu tiên viết Prelude thành khúc nhạc cố định. Về sau nhiều nhạc sĩ sáng tác Prelude như một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh.

Trần Tử Ngang lên đài U châu, chẳng thấy ai, bùi ngùi nhỏ nước mắt. Thoạt nghe tưởng như chẳng có gì, nhưng rồi giai điệu dạo đầu ấy có sức gợi mở kỳ lạ, quá khứ, tương lai, con người, vũ trụ… cứ mông lung, bồng bềnh, khắc khoải...

Bản Romance

Đề Đô thành Nam trang (Thôi Hộ)

Tích niên kim nhật thử môn trun,g
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Dịch nghĩa

Đề ở trại phía nam Đô thành

Năm ngoái hôm nay trong cửa này,
Mặt người và hoa đào, màu hồng ánh lên lẫn nhau.
(Giờ đây) mặt người không biết đã đi đâu,
(Chỉ còn) hoa đào vẫn cười trước gió đông như cũ.


“Khúc tình ca” của chàng lãng tử Thôi Hộ như một làn gió phảng phất hương cỏ đồng nội. Cảm xúc đến bất chợt mà đậm đà, để lại ấn tượng sâu sắc. Giai điệu mềm mại, du dương khiến người đọc có cảm giác hát lên được. Chả thế mà Nguyễn Du đã có biến tấu: “Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Bản serenade

Lưu, Nguyễn du thiên thai (Tào Đường)

Thụ nhập Thiên Thai thạch lộ tân,
Văn hoà thảo tĩnh, quýnh vô trần.
Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
Thuỷ mộc không nghi mộng hậu thân.
Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt,
Thời thời khuyển phệ động trung xuân.
Bất tri thử địa qui hà khứ,
Tư tựu đào nguyên vấn chủ nhân.

Dịch nghĩa

Lưu, Nguyễn chơi núi Thiên Thai

Theo hàng cây vào núi thiên thai, lối đá như mới,
Mây êm, cỏ lặng , không chút bụi vương.
Nhìn khói và ráng không nhớ những việc đã qua,
Thấy dòng nước và cây cối, ngỡ mình mới chiêm bao tỉnh dậy.
Dưới ánh trăng thỉnh thoảng gà gáy bên sườn núi,
Giữa cảnh xuân, thời thường chó sủa trong động.
Chẳng hay dất này thuộc xứ nào?
Phải tới nguồn hoa đào hỏi ai là chủ.

Nếu không có bản dịch bạn không hiểu phần phiên âm? Không hề gì, cứ đọc lên, ngâm lên, hát lên, bạn sẽ thấy “Khúc nhạc chiều” này không kém gì những serenade của các nhạc sĩ thuộc trường phái lãng mạn nửa đầu thế kỷ XIX như Schubert, Suman, Mendensơn… Đây cũng chính là bài thơ đã gây cảm hứng cho nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc bất hủ “Thiên thai”.

Sonade là thể loại khí nhạc được xây dựng trên sự tương phản của các chủ đề. Bạn đọc yêu nhạc cổ điển hẳn đã từng đắm mình trong giai điệu lung linh huyền ảo trong bản Sonade ánh trăng của Beethoven, bây giờ xin mời bạn làm một việc tương tự với bản Sonade Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.

Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa

Lầu Hoàng hạc

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi,
Lầu Hoàng hạc còn trơ lại đây.
Hạc vàng một khi đã bay đi , không trở lại nữa.
Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài.
Mặt sông lúc trời tạnh phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh vũ mơn mởn xanh tươi.
Trời tối rồi, đâu là quê hương mình?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!

Xin nhắc thêm với bạn rằng, đứng trước tác phẩm này, Thi tiên Lý Bạch nói: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh không nói được, (vì đã có) Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu).

Còn nhà thơ Huy Cận có khúc biến tấu: “Lòng quê dợn dợn vời con nước. không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Bản Nocturne

Phong kiều dạ bạc (Trương Kế)

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong như hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại hàn Sơn Tự,
Dạ bán trung thanh đáo khách thuyền.

Dịch nghĩa

Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều

Trăng xế, qụa kêu, sương đầy trời,
(Khách) nằm ngủ trước cảnh buồn của đèn chài và lùm phong bên sông.
Tiếng chuông chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô,
Nửa đêm văng vẳng vọng đến thuyền khách.

Làm thơ về cảnh đêm - ít người làm, vẽ tranh cảnh đêm - ít người vẽ, viết nhạc dạ khúc - cũng ít người viết. Trương Kế làm cả ba việc ấy trong cùng một tác phẩm. “Phong kiều dạ bạc” không gợi mở như Prelude, không du dương như Romance, không mượt mà như serenad, bản Nocturne này có nhiều dấu lặng, tạo ra sự âm u, đầy huyền bí.

Etude nguyên nghĩa là Khúc luyện tập, sau có một số khúc luyện tập trở thành tuyệt tác thì Etude đã trở thành một thể loại âm nhạc như một tác phẩm hoàn chỉnh. Trong Đường thi có khá nhiều bài tứ tuyệt là những Etude bất hủ, có Etude cho piano, có Etude cho violin, có Etude cho fagotto... Sau đây là vài Etude như vậy.

Xuân hiểu (Mạnh Hạo Nhiên)

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai văn vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu

Dịch nghĩa:

Buổi sớm mùa xuân

Giấc ngủ đêm xuân không biết trời đã sáng
Nơi nơi đều nghe chim hót vang
Đêm qua tràn ngập tiếng gió mưa
Chẳng hay hoa đã rụng nhiều hay ít?


Dịch Thuỷ tống biệt (Lạc Tân Vương)

Thử địa biệt Yên Đan,
Tráng sĩ phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thuỷ do hàn.

Dịch nghĩa:

Tiễn biệt trên sông Dịch

Nơi này khi từ biệt thái tử Đan nước Yên,
Tóc tráng sĩ dựng ngược làm nhô mũ.
Người xưa đã khuất rồi,
Nước sông ngày nay còn giá lạnh.

Xuân oán (Kim Xương Tự)

Đả khởi hoàng anh nhi,
Mạc giao chi thượng đề.
Đề thì kinh thiếp mộng
Bất đắc đáo Liêu Tê.

Dịch nghĩa:

Xuân oán

Đánh đuổi cái oanh vàng,
Đừng cho kêu trên cành.
Chim kêu làm kinh giấc mộng của thiếp,
Không mơ đến được đất Liêu Tây.

Danh hoạ Bùi Xuân Phái nói: “Vẽ tranh là để im lặng”. Trước nhạc cổ điển càng phải im lặng hơn, âm nhạc đã “nói” bằng âm thanh rồi, bàn nhiều nữa sẽ thành nhàm. Bài viết này coi như một bản “Prelude” - dạo đầu, gợi mở lĩnh vực mới: Thơ Đường và âm nhạc.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top