Dạy con nên người

lion

Moderator
Staff member
Đáng ra mùa hè là mùa để nghỉ ngơi, đi biển, tham quan, du lịch. Nhưng với những học sinh đang phải thi tốt nghiệp, chuyển cấp hay thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, thì mùa hè là mùa của những lo âu, hồi hộp, chờ đợi, hy vọng và cả thất vọng.
*Nỗi buồn còn đó
Sự hồi hộp chờ mong kết quả thi chuyển cấp, thi đại học, cao đẳng không chỉ có ở các em, mà hình như cả gia đình đều sống với cái không khí lo lắng, chờ đợi ấy. Đến cơ quan, gặp nhau ở chợ, hay ngồi đâu các ông bố bà mẹ cũng hỏi nhau: “Thế thằng cháu nhà anh thi thế nào, có hy vọng không, đã biết điểm trường nào chưa” hoặc: “ Chán quá, từ hôm nó đi thi về, nói là không làm được bài, làm cho cả nhà đều chán”. Chính sự quan tâm quá mức, sự kì vọng quá lớn, hoặc sự thất vọng của cả gia đình đã làm cho sức nặng tâm lý đè lên đôi vai các em càng trở nên khó chịu đựng nổi. Nhiều em đã khóc lóc, buồn chán, thất vọng. Chính lúc này đây, sự động viên, an ủi khéo léo của cha mẹ sẽ nâng đỡ các em, giúp các em lấy lại thăng bằng tinh thần, để không đẩy các em đến chỗ tuyệt vọng và có những hành động sai lầm.
Còn nhớ vài năm trước, một em gái đã nhảy xuống sông tự tử chỉ vì em thi đại học hai năm liền đều trượt. Năm đó em thi lại, nhưng từ hôm đi thi về, biết kết quả làm bài thi không tốt, có thể cũng lại trượt tiếp. Sau kỳ thi nửa tháng, không chịu đựng nổi áp lực tâm lý, em gái đó đã uống thuốc ngủ để chạy trốn sự thất bại, nhưng được người nhà phát hiện kịp thời, đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do không làm tốt công tác hỗ trợ tâm lý, sau khi ra viện một thời gian, em đã quyết tâm chạy trốn bằng cách kể trên.
Khi biết tin mình thi đại học được 20 điểm, song vẫn chưa đủ để vào trường đại học “danh tiếng” mà em đã đăng ký, một cựu học sinh của một trường chuyên nọ đã thắt cổ tự tử. Theo nhận xét của bạn bè thì em học sinh này chăm học, học khá, tính tình trầm tĩnh, ít nói. Sau kỳ thi, thấy con trai hơi buồn, nhưng cha mẹ em nghĩ rằng em chỉ lo lắng vu vơ thế thôi, chứ “dân trường chuyên” không thể trượt đại học, nên họ không kịp thời theo dõi, động viên, khiến em lâm vào tình trạng cô đơn, bế tắc. Em không dám đi nghỉ mát với gia đình vì nghĩ mình “không xứng đáng”, không dám gặp bạn bè vì sợ chúng hỏi kết quả thi. Trước khi quyết định lựa chọn cái chết, em còn gọi điện thoại cho mẹ và chào “con đi đây”.
Nhiều em do thi trượt, lo sợ bị cha mẹ mắng mỏ, trách móc, tuy không lựa chọn cái chết, nhưng lại lựa chọn sự buông thả, chán đời, bỏ nhà ra đi bụi. Những em khác thì thì rơi tình trạng vào trầm cảm, điên loạn.
Các bác sĩ bệnh viện tâm thần cho biết, năm nào sau mùa thi cũng có một số em học sinh “lên cơn điên” phải vào viện điều trị. Cũng có không ít trường hợp mắc chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm, các rối loạn liên quan đến sang chấn tâm lý. Sau mùa thi là “mùa gặt hái” của các trung tâm tư vấn tâm lý bởi khách hàng tìm đến tăng vòn vọt.
* Những việc cần làm ngay
Để giúp con em mình chuẩn bị tinh thần vượt qua “nỗi buồn thi trượt”, các bậc phụ huynh và những người thân trong gia đình cần làm tốt một số công việc trước và sau kỳ thi như sau:
Một là không tỏ ra quá quan tâm, sốt sắng với kết quả thi của con. Dù con các bạn không thể hiện ra bên ngoài, thì bạn cũng nhớ rằng chúng còn lo lắng, hồi hộp hơn các bạn nhiều. Việc hỏi han quá nhiều, nhắc nhở con lên mạng xem điểm sớm, việc để lộ thất vọng... khiến con bạn lo lắng, sợ sệt hơn.
Hai là ngay sau khi thi xong, cố gắng thu xếp thời gian để tổ chức cho gia đình đi nghỉ mát, tham quan, về quê. Ngay cả khi con bạn buồn chán, thất vọng vì sau khi thi cú chắc chắn không đỗ chăng nữa, các bạn cũng cứ động viên con đi. Khi đi nghỉ, hãy “vui hết mình”, đừng mang theo cả tâm trạng “đợi chờ kết quả” ra bãi biển, mất vui.
Ba là chuẩn bị trước tinh thần cho con và cả cho mình nữa. Cứ nói với con rằng, trong tình huống xấu nhất là không đỗ, cũng không có gì phải buồn, bởi số người thất vọng nhiều hơn số người “may mắn” gấp nhiều lần. Hãy nhớ rằng một trường đại học chỉ cótuyển có 500 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh đăng ký dự thi lên tới vài nghìn, nghĩa là “trượt thì nhiều chứ đỗ là mấy”.
Khi đã biết điểm, chắc chắn con bạn không trúng tuyển vào trường chuyên, trường THPT “có tiếng” hay không đỗ đại học, cao đẳng... là lúc con bạn sa sút tinh thần nhiều nhất. Hãy thường xuyên “để mắt” đến con, tâm sự với con, chỉ cho con biết rằng “thua keo này, bày keo khác”. Đặc biệt lưu tâm khi thấy con có những biểu hiện như trầm uất, xa lánh mọi người, ngồi lì trong phòng riêng. Nếu thấy khó tiếp cận với con, hãy tìm tới các trung tâm tư vấn, tham vấn về tâm lí để có cách hỗ trợ tinh thần cho con tốt nhất, tránh chuyện xấu xảy ra.
* Một vấn đề, hai thái độ
Còn nhớ, năm ngoái, sau khi các trường thông báo điểm thi đại học, số lượng các cuộc điện thoại gọi tới các trung tâm tư vấn đột ngột tăng lên. Một chị phụ nữ đã kể: "Khổ thân con bé, tôi thì biết sức học của nó cũng bình thường, nên không quá hy vọng. Bố nó thì khác, nhất định phải đỗ. Thế là từ hôm nhờ người hỏi hộ điểm đến nay, bố nó cứ nặng lời làm con bé sợ dúm dó, xuống nhà ăn cơm mà nhìn bố cứ nem nép như rắn mồng năm". Còn một cô gái vừa thút thít khóc, vừa tâm sự rằng: "Em khổ quá, mỗi lần ngồi vào mâm cơm là mặt mẹ em cứ lì lì. Em thật sự tủi thân khi mẹ bảo: Trông thấy con người ta mà thèm, cũng cơm ấy gạo ấy mà nó đỗ ba trường liền lúc. Nhà mình thì cơm đổ xuống sông, xuống biển. Lúc ấy cổ em như nghẹn tắc, nuốt miếng cơm không trôi. Em chỉ muốn chết cho mẹ em đỡ khổ vì em".
Ngược lại, tôi biết một người bố có cậu con trai đầu lòng thi năm thứ hai không đỗ. Khi thấy con trai ủ rũ, buồn rầu, ông cười hề hề: "Việc gì phải buồn, không thi được năm này, ta thi năm sau. Năm sau không được nữa ta tìm hướng khác. Thời buổi này chỉ sợ không có tài, không có ý chí vươn lên, không chăm chỉ, ngại khó thôi chứ thiếu gì cách để sống. Việc gì cứ phải đại học, làm như không học đại học là người ta chết hết". Thằng con trai ông cũng cười. Nó bảo với tôi rằng: "Bố cháu động viên cháu mà nói thế thôi, chứ cháu biết bố cháu cũng mong mỏi cháu vào đại học lắm. Bố cháu tâm lí lắm, nên cháu cũng đỡ sợ hơn".
Ngày nay không thiếu cơ hội cho những người muốn tiếp tục con đường học vấn. Nào là đại học tại chức, đại học từ xa, học cao đẳng liên thông lên đại học. Nhiều thanh niên không thi đại học, ở nhà lao động, có nghị lực vươn lên, sau vài năm đã trở thành những ông chủ: Chủ lò gạch, chủ tiệm may, chủ cửa hàng, chủ quán, chủ vườn cây, chủ trang trại, chủ máy kéo, chủ lò kẹo... Ngay cả với những bạn trẻ ở nông thôn, trước đây mà thi trượt đại học chỉ có nước về “theo sau con trâu”, còn bây giờ cũng có nhiều cơ hội tìm kiếm những ngành nghề mới. Có bạn trẻ thi không đỗ, trong vài năm làm ăn phấn đấu, đã mở được cửa hàng mốt thời trang, hiệu trang điểm cô dâu, sơn sửa móng tay, xưởng chế biến thức ăn gia súc, xưởng hoa quả đóng hộp. Điều cơ bản là mọi người, trong đó có cả các bậc phụ huynh phải thay đổi cách suy nghĩ cho rằng vào đại học là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc!
Đinh Thúy
(Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 18+19 - tháng 5+6/2011)
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top