Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp về chế độ chính sách cho giáo viên

lion

Moderator
Staff member
Trước những băn khoăn của Đại biểu và nhiều nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đối với chế độ chính sách cho cán bộ quản lý giáo dục thì hiện nay nhà giáo được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở giáo dục được hưởng chế độ lương như giáo viên; chế độ phụ cấp ưu đãi; phụ cấp thâm niên nhà giáo và các phụ cấp, trợ cấp khi công tác ở trường chuyên biệt hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, khi nhà giáo được điều động về làm công tác quản lý, tham mưu, chỉ đạo về giáo dục, dạy nghề ở các cơ quan trung ương và địa phương thì trở thành công chức, chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức và được hưởng lương theo ngạch, bậc và phụ cấp công vụ; đồng thời không hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi của nhà giáo nữa.

Vì mức phụ cấp công vụ thấp hơn phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi của giáo viên, nên làm nảy sinh bất hợp lý và tâm tư của các nhà giáo, nhất là những người được điều động làm cán bộ quản lý.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời nhiều vấn đề liên quan tới chế độ chính sách cho giáo viên.

“Những bất hợp lý này liên quan đến Luật (Luật giáo dục và Luật cán bộ, công chức) nên về lâu dài Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực tham gia xây dựng Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 (do Bộ Nội vụ chủ trì) theo chỉ đạo của Chính phủ để giải quyết các vướng mắc, tồn tại của hệ thống thang bảng lương hiện nay, trong đó có vấn đề phụ cấp theo lương của ngành giáo dục”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay.

Thông tin tiếp, người đứng đầu ngành giáo dục cũng chia sẻ, trong ngắn hạn, căn cứ đề xuất của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bảo lưu phụ cấp ưu đãi (tối đa 36 tháng) đối với các nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được điều động về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo mà không hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Nhiều ý kiến thắc mắc hiện nay cho rằng bảo mẫu ở các trường phổ thông chưa có chính sách lương và bảo hiểm xã hội. Vấn đề này Bộ trưởng Luận thẳng thắn: “Loại hình lao động này chưa có trong danh mục vị trí việc làm cũng như định danh trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, và vì vậy, chế độ làm việc và chính sách đối với các đối tượng này được thỏa thuận và thực hiện thông qua hợp đồng lao động giữa cơ sở giáo dục và người lao động.

Các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách cho người lao động làm nhiệm vụ bảo mẫu từ nguồn thu hợp pháp của mình và nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương (nếu có), nên có sự khác biệt giữa các địa phương, giữa các cơ sở giáo dục”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, hiện nay, thực hiện Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/04/ 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ khảo sát xây dựng tiêu chuẩn chức danh viên chức ngành giáo dục, xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập để thống nhất thực hiện, trong đó dự kiến có loại hình lao động này.

Ngoài ra, theo phản ánh chế độ chính sách đối với giáo viên trường chuyên biệt cũng bị đối xử chưa công bằng, Bộ trưởng Luận giải đáp, để đảm bảo quyền lợi của giáo viên chuyên biệt này thì trong thời gian qua nhà nước đã ban hành một số chính sách mang tính đặc thù như định mức số tiết giảng dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú cấp trung học cơ sở là 17 tiết/tuần (giáo viên trung học cơ sở công lập là 19 tiết/ tuần); giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học là 21 tiết/tuần (giáo viên tiểu học công lập là 23 tiết/tuần).

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao, trường năng khiếu nghệ thuật, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 50% mức lương hiện hưởng;

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và trường giáo dưỡng được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương hiện hưởng (nhà giáo giảng dạy ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông được hưởng mức phụ cấp 30% hoặc 35%; nhà giáo ở các trường mầm non, tiểu học được hưởng mức phụ cấp 35% hoặc 40%).

Ngoài ra nhà nước cũng quy định, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 mức lương tối thiểu. Nhà giáo công tác ở các trường chuyên biệt được trợ cấp tham quan, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, được hỗ trợ tiền mua tài liệu để học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí và tiền đi lại.
gd.net.vn
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top