Blog hỗ trợ dạy học: Xu hướng mới

lion

Moderator
Staff member
Thời gian gần đây một số giáo viên ở TPHCM đã lập weblog (gọi tắt là blog) - một dạng website mà các mục tin được sắp xếp theo trật tự thời gian để ứng dụng vào việc dạy học và phương pháp này bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Hình ảnh các học trò thân yêu trong blog của một giáo viên
Qua blog, các nhà giáo giới thiệu, chia sẻ thông tin về bài giảng và nhận được những phản hồi tích cực từ phía học trò, tạo ra sự kết nối thầy - trò vô cùng hữu ích.

Sợi dây liên kết hữu hiệu

Những blog của giáo viên các trường THPT đã xuất hiện rầm rộ ở TPHCM trong thời gian gần đây và nhận được sự quan tâm của học trò. Blog trở thành công cụ để giảng dạy, ghi lại các sự kiện trong lớp, các thông báo mời họp, điểm số của học sinh, phổ biến thời khóa biểu, các hướng dẫn ôn thi, lịch thi, lịch trình tham quan sắp tới của lớp, các bài giải.

Điểm hấp dẫn của blog giáo viên chính là khâu hướng dẫn tự học, giáo viên có thể nhận bài qua email hay sử dụng chức năng comment để nhận những phản ánh của học trò hoặc có thể kéo dài các cuộc thảo luận cũng như tiến hành giao lưu hỏi đáp mà không sợ hết thời gian.
Nhà giáo Lê Nguyễn, giáo viên môn Địa lý của Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, TPHCM, đã lập weblog sưu tầm tư liệu địa lý nhằm cung cấp các tư liệu địa lý hữu ích cho học trò.
Thầy Hoàng Đức Huy, giáo viên Văn của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4, TPHCM, còn sáng tạo ra cách dạy văn qua mạng khá độc đáo, đó là giảng bài trên blog.
Blog - một loại hình thu hút tuổi học trò
Thầy Huy có tới 3 blog. Thường, thầy đưa các bài tập lên diễn đàn rồi vào lớp hướng dẫn học trò sử dụng Internet làm bài tập, sau đó thầy trò cùng bình luận và cuối cùng trao đổi qua email.
Còn weblog của giảng viên Dương Quốc Tuấn, tại địa chỉ blogtiengviet.net đã có số lượt truy cập gần 80.000, một con số mà ngay cả những website của những doanh nghiệp quy mô cũng phải thèm muốn.
Điểm đặc biệt của blog này là nơi hội tụ của âm nhạc và toán học. Thầy Tuấn đã post lên mạng cả một kho tàng tài nguyên học tập toán học khá khổng lồ, những bài giảng của chương trình toán học THPT… Chưa hết, học sinh ghé blog này còn có thể học toán bằng tiếng Anh và xem những clip độc đáo…
Đặc biệt thầy giáo Nguyễn Văn Phương, giáo viên Lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM, đã xây dựng blog “Mái trường và chúng ta” tại địa chỉ: http://phuongmk.googlepages.com, thu hút học trò bằng các đề thi thử, đáp án đố vui của môn Lý…
Chỉ sau thời gian hoạt động, số học trò xin làm bạn của blog này lên đến 300. Là giáo viên Lý nhưng blog của thầy Phương có nhiều áng văn đặc sắc, những câu chuyện đắc nhân tâm về tình người như bức thư “Xin thầy hãy dạy cho con tôi” của cố Tổng thống Abraham Lincoln (1809-1865) gửi thầy hiệu trưởng nơi con trai ông đang học.
Hiệu quả bất ngờ?
Theo nhận định của trang web học tiếng Anh o­nline Global Education thì blog và giảng dạy tiếng Anh là một “cặp đôi” (couple) lý tưởng – thỏa mãn cả nhu cầu “công nghệ hóa, hiện đại hóa” dạy học, cũng như khuyến khích tính tích cực và sự hứng thú học tập của học sinh.
Một trong những lý do thuyết phục nhất cho việc sử dụng blog trong việc dạy và học ngoại ngữ mà Global Education đề cập đó là khả năng thu hút “độc giả” (audience) cho những bài viết của học sinh. Nhờ vậy, học sinh sẽ viết có trách nhiệm hơn, trau chuốt đến từng câu văn trong bài viết của mình.
Bên cạnh đó, thông qua những bài viết – những tâm sự chia sẻ hay nhận xét, học sinh có cảm giác mình thuộc về một cộng đồng chung, nhờ đó sẽ tăng sự hiểu biết cũng như gắn bó giữa các thành viên trong lớp.
Blog cũng khuyến khích học sinh trao đổi, thảo luận trước và sau mỗi bài học. Blog cũng là một “hồ sơ” chân thực và toàn diện về sự tiến bộ của khả năng viết của học sinh dựa trên cơ sở so sánh với các bài viết trước đó.
Theo lời một chuyên gia trong ngành, blog còn là kênh thông tin hiệu quả để kết nối quan hệ thầy trò, giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng - những nội dung mà chương trình chính khóa gần như không có.
Các chuyên gia cũng cho rằng blog của các giáo viên đã trở thành một định hướng tốt cho học trò trong xu thế nhà nhà sử dụng Internet, người người sử dụng Internet hiện nay…
Việc blog của giáo viên ra đời đã giúp rất nhiều học sinh trong việc tìm kiếm các thông tin hữu ích. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại rằng với cách quản lý blog hiện nay, liệu mọi người “có thể nói gì thì nói”?
Các nhà giáo cũng xác định: Dù trên thế giới ảo nhưng blog của giáo viên cũng là nơi giáo dục học trò, do đó ngoài chức năng là diễn đàn cung cấp thông tin, blog cần phải xây dựng những giá trị nhân cách, tri thức tâm hồn cho học trò.
Nếu blog mà “truyền thông” những thông tin lệch lạc thì tức khắc bị cư dân mạng và các học trò tẩy chay ngay. Chính vì vậy trên các blog của mình, các giáo viên đều cẩn thận trong lời ăn tiếng nói và luôn là diễn đàn giáo dục tốt nhất cho học trò để đem lại những hiệu quả tích cực nhất.
Đúng như nhận định của Global Education: Sự kết hợp giữa học tập với vui chơi giải trí bao giờ cũng đem lại những hiệu quả bất ngờ! .
Một vài gợi ý của Global Education cho các hoạt động học tập dựa trên blog:

* Vị khách bí ẩn (mystery guest): Mời một giáo viên hay một học sinh trường khác làm vị khách bí ẩn của blog. Khuyến khích học sinh tìm hiểu “personal information” của vị khách bí ẩn thông qua những bài viết của vị khách hay blog của chính vị khách đó.

* Các dự án: Blog là mảnh đất màu mỡ cho các dự án (project), đặc biệt là những dự án có sự tham gia một cách tích cực của các các thành viên. Ví dụ các em có thể làm những chùm bài giới thiệu về trường lớp, sở thích hay văn hóa của đất nước mình.

* Bình chọn: Hàng tuần các thầy cô có thể tiến hành bình chọn các bài viết theo các tiêu chí khác nhau, ví dụ: bài viết có ít lỗi ngữ pháp nhất (the least grammartical mistakes), hay bài viết có nội dung hấp dẫn nhất (the hottest entry).



lion st
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top