Âm nhạc với chủ đề đấu tranh

Âm nhạc với chủ đề đấu tranh

Trong lịch sử âm nhạc, nhạc cổ điển là thứ âm nhạc có truyền thống lâu đời . đã được xây dựng vun đắp và phát triển bởi rất nhiều thế hệ nhạc sỹ qua nhiều thế kỷ,cho đến ngày nay nó vẫn còn nguyên giá trị và luôn được ưa chuộng, làm thoả mãn bất kỳ ai với tính cách như thế nào hay trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Rõ ràng chúng ta nghe nó trong mọi tâm trạng, khi vui lẫn khi buồn, sung sướng hạnh phúc hay chán nản tuyệt vọng... Một trong những lý do làm nên điều đó là vì nhạc cổ điển là một thế giới rộng lớn và sâu sắc có thể bao trùm lên (hầu như) tất cả các khía cạnh của đời sống con người, không chỉ là thứ âm nhạc làm thư giãn giải chí mà quan trọng hơn giúp con người vươn tới cái "đẹp", làm cho tâm hồn thêm phong phú tinh tế và có chiều sâu hơn. Nhưng thực tế trong cuộc sống của mổi người và cả trên toàn xã hội luôn luôn tồn tại những khó khăn gây ra bởi những nguyên nhân khách quan, chủ quan hay do những thế lực xấu làm cản trở ngăn bước. Chính vì thế các nhạc sỹ không chỉ làm nên cái tốt cái đẹp cho con người hướng đến mà (đồng thời) còn sáng tạo nên những tác phẩm thúc giục đấu tranh,chiến đấu chống lại cái ác cái xấu để vươn lên giành lấy hạnh phúc.
Nếu xét cho cùng thì hầu hết các tác phẩm nhạc cổ điển chân chính bằng cách này hay cách khác, gián tiếp hay trực tiếp (quy mô lớn hay nhỏ...) đều kêu gọi đấu tranh, như CHOPIN từng nói "...cái đẹp bao giờ cũng gây xúc động, tự nó sẽ đào tạo các chiến sỹ, tôi luyện tâm hồn họ..." tuy nhiên trong phạm vi bài này tôi chỉ muốn nói đến những tác phẩm với chủ đề anh hùng, cổ vũ tranh đấu được làm ra với một sự chủ đích của nhạc sỹ.
Rất nhiều người thường chỉ nghĩ đến nhạc cổ điển với những bản nhạc có giai điệu du dương sâu lắng và chủ đề lãng mạng, nhưng nếu nhớ tới các nhạc sỹ và những sáng tác của họ theo thời gian thì chủ đề đấu tranh anh hùng chiếm vị trí cũng rất lớn:

HANDEL (1685-1759): Cũng giống như hầu hết các nhạc sỹ cùng thời ông rất ưa thích các đề tài trong kinh thánh, nó dược xem như một quyển sách lớn dạy đạo làm người, mà trong đó đức Jesu và mẹ Maria tượng trưng cho tất cả những gì cao quý và tốt đẹp nhất. Ông đã viết nhiều bản Ôratô lấy đề tài trong kinh thánh tiêu biểu là "Chúa cứu thế", "Judas Maccabcus", "người Ixraen ở Ai cập" và "Xamxon" nhằm ca ngợi chủ nghĩa anh hùng yêu nước,"thời cơ" kêu gọi nhân dân đứng dậy bảo vệ đất nước. Trong đó bản Ôratô "Xamxon" là nổi tiếng nhất, qua tác phẩm viết cho dàn hợp xướng với qui mô đồ sộ này tác giả đã ca ngợi lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả của vị anh hùng đã mang lại tự do cho nhân dân, độc lập cho xứ xở.

MOZART: Nhìn chung nhạc của ông thật vui, trong sáng và tinh tế đồng thời cũng mang nhiều tư tưởng tiến bộ với lối châm biếm nhẹ nhàng, tuy nhiên cũng có những giao hưởng số 40, 41 duợc sáng tác vào lúc cuối đời lại mang tính kịch sâu sắc với những tương phản mạnh mẽ, những bản nhạc này được coi là dự báo cho những giao hưởng sau này của BEETHOVEN

BEETHOVEN (1770-1827): Là một người có tưởng rất tiến bộ, luôn coi thường tầng lớp quý tộc và vua chúa, nên khi cách mạng tư sản Pháp bùng nổ năm 1789, BEETHOVEN đã đón nhận nó với tất cả nhiệt tình háo hức. Hình ảnh quần chúng nhân dân phá ngục Batxti với tiếng thét lật đổ nền quân chủ cùng khẩu hiệu "Tự do-bình đẳng-bác ái" đã thôi thúc khơi dậy tiềm năng sáng tác của ông trong suốt cả cuộc đời. Ông đã viết nên những tác phẩm hiện thực lớn với mục tiêu đấu tranh cho tư tưởng nhân đạo, cho lý trí và sự giải phóng con người. Tiêu biểu nhất là các giao hưởng số 3 "Anh hùng" số 5 "Định mệnh" số 9 với chương cuối phổ thơ Sile, các khúc mở màn "Ecmông", "Êlêôno", concerto số 5, sonata số 23 "Appasionata" tất cả như một lời kêu gọi hãy đi lên với chí khí "anh hùng" vượt qua "định mệnh" "hướng tới niềm vui"

ROSSINI (1792-1868): Ông cũng có một vở nhạc kịch mang tính chất anh hùng đề cao tinh thần yêu nước là "William Tell" bên cạnh những tác phẩm opera đậm chất hài hước. Khúc mở màn "William Tell" cho đến ngày nay vẫn rất được ưa chuộng vì những âm thanh sôi nổi đầy thúc dục của nó.

CHOPIN (1810-1849): Là một nhạc sỹ lãng mạng đồng thời cũng là một người yêu nước, luôn xúc động trước các cuộc cánh mạng nên bên cạnh những tác phẩm với đề tài quen thuộc (với các nhạc sỹ lãn mạng) đề cao thế giới nội tâm, thế giới tình cảm trữ tình CHOPIN còn có nhiều sáng tác thể hiện hình ảnh bất tử của tổ quốc với tính chất hào hùng. Các sáng tác này có quy mô nhỏ nhưng lại thể hiện vô cùng thành công (một cách tự nhiên và xúc động) không hề thua kém các nhạc sỹ tiền bối, đó là các bản Polonaise no.3 A flat major, no.5 F sharp minor, Mazurka no.4 op.17, no.1 op.33, Sonata B flat minor op.35...

WAGNER (1813-1883): Nhắc đến ông người ta nghĩ ngay đến một con người cánh mạng thiên tài nhưng cũng rất kiêu ngạo với nhiều vở nhạc kịch đồ sộ về những câu truyện truyền thuyết anh hùng lấy từ trong dân gian, mà nổi bật nhất là "Chiếc nhẫn của Nibelung" (Der ring des Nibehgen) và câu truyên về hiệp sỹ nhà trời "Lôengrin". "Chiếc nhẫn của Nibelung" là tổ hợp 4 vở opera: "Vàng ở sông Ranh" (Das Rheingold), "Vankiari" (Die Walkure), "Dinfrit" (Siegfried) và "Sự diệt vong của các thần" (Gotterdammerung) nội dung kể về người anh hùng nhân dân Dinfrit dũng cảm và trung thực đã chiến đấu tiêu diệt các thế lực đen tối mở ra kỷ nguyên mới do con người ngự trị. Ngoài ra có thể kể đến "Tannhauser" vở nhạc kịch với khúc mở màn nổi tiếng hoàn chỉnh như một giao hưởng thơ lớn.

VERDI (1813-1901): Vào thời kỳ đầu, ông là một người tham gia rất tích cực vào những hoạt động chính trị xã hội, xúc động trước những cuộc đấu tranh của nhân dân Italia chống lại ách thống trị của đế quốc Áo ông đã sáng tác những tác phẩm như opera "Nabucco", "Những người Lômbácđi" thể hiện tư tưởng dân tộc, "Tiếng kèn Trombét" là 1 bài ca cách mạng và vở nhạc kịch anh hùng "Trận đánh ở Lênianô".Các sáng tác này tuy rất giàu nhiệt huyết và tình cảm nhưng còn có nhiều hạn chế, chưa đạt đến tầm cao nghệ thuật như những tác phẩm thời kỳ sau .

SMETANA (1824-1884): Là nhạc sỹ Séc được biết đến nhiều nhất trên thế giới, người đã mở ra con đường hiện thực trong nghệ thuật của đất nước này, suốt cuộc đời ông đã viết rất nhiều về đề tài yêu nước, khi còn trẻ là các tác phẩm "hành khúc cách mạng" cho piano, "hành khúc cận vệ", hợp xướng "khúc hát tự do", giao hưởng "huy hoàng" và sau này là giao hưởng thơ "Mặt trận Valentina","Tổ quốc tôi"..Trong đó liên khúc giao hưởng thơ "Tổ quốc tôi" chiếm vị trí trung tâm trong di sản nghệ thuật của ông.Tác phẩm gồm 6 chương lớn độc lập về nội dung nhưng thống nhất bởi tất cả đều có chung một mục đích ca ngợi tổ quốc anh hùng. Số 1:"Thượng thành" Số 2 "Vltava" Số 3 "Sarka" Số 4 "Từ những dải đất và rừng xanh " Số 5 "Thành Tabo" và Số 6 "Blaních". (Phổ biến nhất cho đến ngày nay là chương 2 "Vltava"-thường được biểu diễn trong những buổi hoà nhạc lớn bởi nhiều nhạc trưởng tên tuổi)

BORODIN (1833-1887): Số lượng tác phẩm của ông không nhiều nhưng đều được đánh giá cao, có 1 sáng tác có thể xếp trong chủ đề này là giao hưởng số 2 "Dũng sĩ" gợi nên những hình tượng của các chiến binh Nga thời cổ trong các sử thi anh hùng .
 
HONEGGER (1892-1955): Ông được biết đến như là một trong những nhà soan nhạc xuất sắc của âm nhạc hiện đại Pháp bên cạnh DEBUSSY và RAVEL, có thể kể đến các tác phẩm "David", "Joan of arc" ca ngợi con người, "khúc ca giải phóng", những giao hưởng chiến tranh (gh số 2,3) thể hiện những cảm xúc bi kịch về chiến tranh thế giới.

SIBELIUS (1865-1957): Các câu truyện truyền thuyết dân gian về những người anh hùng vĩ đại mà giản dị luôn gây nhiều cảm hứng cho các nghệ sỹ có khuynh hướng dân tộc, SIBELIUS cũng là 1 người như vậy, các tác phẩm nổi tiếng của ông thường dựa trên các câu truyện cổ như giao hưởng thơ "Can-le-vo" (nói về nhân vật trong thiên anh hùng ca "Ca-le-va-la"-người báo thù cho sự bất bình gồm 5 chương:1_Mở đầu. 2_Tuổi trẻ của Can-le-vo. 3_Can-le-vo và em gái. 4_Can-le-vo đi chiến đấu. 5_Cái chết của Can-le-vo), tác phẩm "Những khúc thần thoại" (gồm 4 gh thơ kể về nhân vật Lem-min-cây-nen cũng trong trường ca "Ca-le-va-la". Số1_Lem-min-cây-nen và cô gái xứ Xa-a-ri. Số2_Con thiên nga ở Tu-o-nen. (bản nhạc này là thường gặp hơn cả) Số3_Lem-min-cây-nen ở Tu-o-nen. Số4_Lem-min-cây-nen trở về.) và 2gh thơ "Tapiola" op.112, "Cô gái xứ Pakhola" op.49. Ngoài ra có thể nhắc thêm đến bản đại hợp xướng "Tổ quốc chúng ta" kỷ niệm ngày độc lập đầu tiên của Phần Lan.

PROKOFIEV (1891-1953): Được Maiacốpxki gọi là "Puskin trong âm nhạc" nhưng PROKOFIEV lại không có mấy những tác phẩm bi kịch bởi vì Puskin-nhạc sỹ sống trong một thời đại hoàn toàn khác, quay trở về quê hương (sau 15 năm chu du nước ngoài) sống dưới chế độ Xôviết ông đã có những bước ngoặt lớn, sáng tác nên nhiều tác phẩm lạc quan mang tính chất sử thi như giao hưởng số 7, can-tat "Alexander Nevsky" 7chương, nhạc kịch theo tiểu thuyết cùng tên của Lép Tôn-xtôi "Chiến tranh và hoà bình" hay vũ kịch "Romeo và Juliet"...

SHOSTAKOVICH (1906-1975): Khác với PROKOFIEV thực sự sống với chế độ mới khi đã trưởng thành trong sáng tác, những bước đầu tiên trên con đường nghệ thuật của SHOSTAKOVICH cũng trùng với những bước đi đầu tiên của đất nước Sôviết non trẻ. Ông đã sống và trưởng thành lên trong sáng tác cùng với đất nước. Thời kỳ đầu nhạc sỹ đã cho ra đời các giao hưởng số 2 "Tháng mười"-năm 1917, số 3 "1 tháng 5" và các vở vũ kịch"Chiếc bu-long", "Dòng suối thép" nhằm thể hiện những vấn đề thời đại nhưng chưa thành công, chỉ bắt đầu từ những năm 30 trở đi các sáng tác của ông mới thật sự có giá trị đó là những bản nhạc cho phim như "Mac-xim trở về", "Người cầm súng", "Người công dân lớn"... trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc và sau này những tác phẩm vĩ đại đã ra đời gồm gh số 7 "Leningrad", gh số 11 "Năm 1905", số 12 "Năm 1917" hồi tưởng lại cuộc cách mạng lịch sử Tháng mười, và gh-thanh xướng "Cuộc xử giảo Xtê-pan Ra-din" về lãnh tụ nhân dân Nga TK 17.Cách mạng đã thực sự gây cho ông cảm hứng suốt cả cuộc đời giúp ông trở thành một trong những nhạc sỹ danh tiếng nhất của âm nhạc hiện đại Xôviết cũng như toàn thế giới
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top