4 điều kiện cho quan hệ thầy - trò thời hiện đại

lion

Moderator
Staff member
1. Điều kiện sống

Phải tồn tại được thì con người mới suy nghĩ được – với bất cứ ai cũng vậy, cả thầy và trò đều phải vậy. Quan hệ thầy – trò không nuôi sống được thầy, trò; mà ngược lại, cả thầy và trò phải có nguồn vật chất để sinh tồn và đáp ứng các nhu cầu khác cho cá nhân cùng gia đình trước rồi mới còn tâm trí mà dành cho nhau.


Thời phong kiến - thời của những ông đồ cũng như những anh trò áo vải với lều chõng đi thi, điều kiện sinh hoạt rất đơn giản: chỉ vài con cá ao nhà, vài ngọn rau tự trồng, một căn nhà lá, một cái chõng tre, vài cuốn sách Nho…là đã thành sự học.

Rồi đến thời đại Hồ Chí Minh cho tới trước khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế với nền kinh tế thị trường phổ biến, điều kiện sinh hoạt của cả thầy, trò cùng gia đình họ vẫn được bao cấp. Rõ ràng, sự bảo đảm về vật chất ấy là đủ để duy trì mối quan hệ nặng về đạo hay lễ giáo một cách thuần túy.

Nhưng hiện nay, khi đòi hỏi về đời sống vật chất và tinh thần tăng nhanh thì lương “cứng” của giáo viên hay trợ cấp gia đình của học sinh, sinh viên là không đủ. Do vậy , cả hai đều phải phân tán tâm trí, thời gian, sức lực cho nhiều mối quan hệ khác, nhiều hoạt động khác.

Sự quan tâm dành cho nhau không còn trọn vẹn như trước, những tác động tương hỗ với bên ngoài cũng làm “biến dạng” tình nghĩa thầy – trò. Ngay cả nhu cầu về trang thiết bị dạy học cũng thật bức xúc – không còn đơn thuần là lều với chõng, bút với nghiên nữa.

2. Điều kiện tri thức



Cảnh thầy – trò trước sau “Nhân chi sơ, tính bản thiện” không còn ở đâu khác nữa ngoài…sân khấu. Ngày xưa, người ta lấy lễ nghĩa, văn chương thơ phú làm đường tiến thân; còn giờ đây, nó phải nhường chỗ cho hàng trăm môn học, ngành học khác; nó đã trở thành môn học phụ, thành thứ giải trí tinh thần, thành đề tài chiêm nghiệm lúc nhàn rỗi.

Ngày xưa, đến hẹn lại lên, cả xã hội đếm trên đầu ngón tay cũng đủ cả trạng nguyên, bảng nhãn, tú tài; ngày nay, mọi lúc mọi nơi xuất hiện hàng nghìn cuộc thi, hàng nghìn loại văn bằng chứng chỉ; thầy – trò cũng trải rộng khắp các lứa tuổi, giới tính, giai tầng, vùng miền.

Ngày xưa, thầy dạy trò, trò học thầy – trên bảo dưới nghe; hiện tại, người ta tự tìm tòi nghiên cứu, học bạn, học qua mạng, thậm chí còn sáng tạo và tự…mở lớp.

Với bước đại nhảy vọt của tri thức nhân loại như vậy thì cả thầy lẫn trò đều phải học, phải quay cuồng với con chữ, phải động tay động chân, phải tính toán đủ thứ. Ngay cả việc học gì, thi gì, học ở đâu và với ai cũng là cả một vấn đề nan giải. Và tình nghĩa thầy – trò tất nhiên càng bị phân tán.

3. Điều kiện xã hội

Sự học lễ nghĩa hay văn chương thơ phú suốt mấy nghìn năm lịch sử mang nặng tính áp đặt, bất biến, và dựa chủ yếu vào…vẻ đẹp tâm hồn. Nhưng trước khối lượng đồ sộ những ngành nghề, lĩnh vực như hiện nay, việc thay đổi phương pháp dạy và học theo hướng: tương tác hai chiều, cùng trao đổi để hiểu và mở rộng vấn đề, liên tục so sánh lý thuyết với thực tiễn, khơi dậy khả năng sáng tạo, coi trọng cái “tôi”,…chắc chắn sẽ làm cho mối quan hệ thầy – trò trở nên “linh hoạt” hơn.



Nhiều người vội vã lo sợ vì sự cởi mở này, sợ xã hội mất đi tôn ti trật tự. Nhưng tôn ti trật tự không phải là bảo thủ, trì trệ, cứng nhắc; và càng không phải là áp đặt những đặc quyền đặc lợi vô lý theo “danh phận” làm xâm hại đến quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền làm chủ của người khác theo ý muốn riêng của mình.

Sự tôn trọng phải dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau; tôn ti trật tự phải công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải được lập ra dựa trên mức độ tự giác, đồng thuận cao dần theo quá trình phát triển về tri thức của cả xã hội.

Người thầy, với tư cách là thế hệ đi trước, với “danh” là hiểu biết hơn, với “phận” là đáng kính trọng hơn - phải là chủ thể xây dựng mối quan hệ thầy - trò, và cũng là đối tượng đầu tiên cần xét đến khi đánh giá mối quan hệ này. Gương có tốt thì mới hy vọng được noi theo, và cũng chỉ nên noi theo những gương tốt.

Hãy làm sao để học trò gọi tiếng “thầy” xuất phát từ sự biết ơn và cảm kích chân thành vì nhờ thầy mà chúng có được nhiều bài học bổ ích, chứ không phải bắt chúng gọi tiếng “thầy” trong nỗi sợ hãi đã trở thành bản năng do định kiến xã hội.

4. Điều kiện hội nhập quốc tế

Cuộc cách mạng kỳ diệu về công nghệ thông tin – viễn thông đưa Việt Nam đến với cả thế giới, và ngược lại. Sự va chạm rồi giao thoa ( cả trực tiếp và gián tiếp ) với hàng trăm nền văn hóa khác nhau từ khắp hành tinh đã len vào từng ngõ hẻm Việt Nam, trong từng con người Việt Nam, và tất nhiên không thể bỏ qua thầy và trò Việt Nam.



Nhân sinh quan, thế giới quan, quan điểm sống, lối sống,…của cả thầy và trò chắc chắn đều bị tác động ít nhiều. Mối quan hệ thầy – trò nói riêng và các mối quan hệ xã hội khác nói chung không còn “thuần Việt” nữa. Sẽ có nhiều cái lạ, nhưng không phải cái lạ nào cũng xấu; sẽ có nhiều cái mới, nhưng không phải cái mới nào cũng tốt.

Nhưng giáo dục Việt Nam nói chung và quan hệ thầy – trò Việt Nam nói riêng lại có những dấu hiệu khác lạ ngay cả với thế giới bên ngoài. Đó là bệnh phong bì, bệnh “thành tích”, bệnh “học chay”

Thực ra không có gì là lạ cả theo như tôi đã phân tích ở phần 1 và 2, bởi vì điều kiện sống của cả thầy và trò không theo kịp nhu cầu cá nhân lẫn đòi hỏi tri thức của sự nghiệp xây dựng tổ quốc, bởi vì xu hướng hưởng thụ của hầu hết mọi người bao giờ cũng lớn và nhanh hơn khát vọng cống hiến rất nhiều.

Khi triết lý giáo dục lạc hậu, không theo kịp đà phát triển của thời đại thì tất yếu dẫn đến những xung đột. Trong khi kinh tế đất nước còn khó khăn, chính sách phân phối lợi ích và đầu tư cho giáo dục còn bất cập thì những thúc ép quá mạnh về vật chất khiến cả thầy lẫn trò “hai bên cùng có lợi” tìm cách vượt qua rào cản trì trệ của triết lý giáo dục ấy bằng những biện pháp theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Và “phong bì” hay “dạy thêm học thêm”, học đối phó, dạy qua quýt,…nảy sinh thật dễ hiểu.

Thật lạ khi ngành Giáo dục – Đào tạo của chúng ta lại liên tục đưa ra những phong trào “thi đua nội bộ” với đủ loại bằng khen, giấy khen, danh hiệu “tiên tiến” rồi “tiên tiến xuất sắc” tràn lan. Rốt cuộc rằng đâu vẫn đóng đấy, ao làng vẫn cứ là ao làng, vì thành tích đâu có được đánh giá dựa trên hiệu quả thực tiễn áp dụng vào lao động, sản xuất.

Thi đua phải là thi đua với bạn bè năm châu trên con đường khai phá của nhân loại - như mơ ước của chủ tịch Hồ Chí Minh; phải lấy một mốc khách quan từ bên ngoài làm trọng tài rồi tất cả đều song song tiến lên phía trước trên đoạn đường thẳng, chứ không phải đóng cửa lại và đua theo “vòng tròn” như việc: “khắc phục bệnh thành tích trong Giáo dục” cũng là thành tích !


pup.edu.vn
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top