3 HSG quốc gia, quốc tế lắc đầu với ĐH Dược, Ngoại Thương!

lion

Moderator
Staff member
Chuyện có thật này được chia sẻ bởi GS.TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.
Từ lâu ĐH Ngoại Thương đã nổi tiếng là cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ trẻ giỏi giang, năng động, thành đạt, nên đó là niềm mơ ước của nhiều học sinh trước mỗi kỳ thi ĐH. Tuy nhiên, với những học sinh đam mê Toán học thì chưa chắc đó là lựa chọn tốt...


GS.TSKH Hà Huy Khoái phát biểu tại một buổi tọa đàm về tiểu thuyết “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” do hai tác giả GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn viết. Ảnh: GDVN

- Thưa giáo sư, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng chương trình học của học sinh phổ thông đang quá nặng đối với các em. Ông có đồng tình với quan điểm này?

GS.TSKH Hà Huy Khoái: Chương trình học của học sinh bây giờ không phải là nặng, nhưng các em bị sức ép nhiều của xã hội, gia đình. Tôi có thể lấy ví dụ, em Huy đạt giải quốc tế ở Hà Lan năm 2011, theo nguyện vọng gia đình em vào học ĐH Dược, học được một năm thì em bỏ Dược để thi lại vào Toán vì em không thể chịu nổi. Thực ra em rất yêu Toán gia đình em lại ép theo một con đường khác.

Một trường hợp khác là em Đỗ Minh Tuấn đạt giải quốc tế năm 2012, một hôm mẹ Tuấn và em đó có đến nhà hỏi tôi nên học Ngoại Thương hay học Toán. Gia đình hướng em nên học ĐH Ngoại Thương. Ngày hôm sau là hạn cuối nếu không rút đơn ra khỏi trường là phải học ĐH Ngoại thương, em Tuấn đã ngồi với tôi 1 buổi và quyết định học Toán.
Gần đây nhất có em Toàn (Bình Phước) được giải Nhất toàn quốc năm ngoái. Mặc dù không học trường chuyên nhưng em này rất giỏi. Em cũng học ĐH Ngoại Thương được 1 năm, vừa rồi gặp lại, tôi có hỏi thì được biết em đã bỏ ĐH Ngoại Thương và năm nay quay lại học toán.
Thực tế không phải các em không yêu Toán nhưng dư luận xã hội, định hướng xã hội khiến các em phải đi theo con đường mà mình không thích. Tuy nhiên, vẫn có những em rất quyết tâm từ bỏ con đường này để quay lại học Toán. Đó không phải là ít.
Nếu đi theo con đường mình không thích thì không thể thành công được. Các gia đình nhiều khi phải cân nhắc, đừng vì mục tiêu trước mắt mà ảnh hưởng đến cả cuộc đời của các em sau này.
- Phải chăng tình yêu Toán của học sinh hiện nay đang dần mai một thưa Giáo sư?

Tình yêu toán không mất nhưng bị ảnh hưởng nhiều. Bản thân toán có cái hay, hấp dẫn của nó.
- PGS Văn Như Cương từng chia sẻ trên báo chí rằng hiện nay chúng ta nên bỏ đi các phần tính đạo hàm, tích phân trong chương trình toán phổ thông. Liệu giáo sư có đồng ý với nhận định này?

Theo tôi chương trình nên bỏ bớt phần kỹ năng tính toán, tăng cường phần về mặt tư duy mới có thể hấp dẫn học sinh.
Bỏ hẳn phần đạo hàm tích phan thì không được, nhưng phần kỹ năng tính toán nên thay bằng việc cho học sinh hiểu được bản chất của đạo hàm, tích phân như việc máy móc đo trắc địa thực chất sử dụng phép tính tích phân, còn máy bắn tốc độ là sử dụng đạo hàm. Còn việc tính cụ thể máy cũng làm được, nhưng trong trường lại bỏ rất nhiều thời gian vào việc dạy kỹ năng tính.
Có lẽ có những cái thừa và có những cái thiếu, theo tôi làm thì sẽ tăng cường phần tư duy logic và bớt đi những phần kỹ năng tính toán vì máy có thể thay mình được.
Mình đã hiểu được bản chất vấn đề ở suy nghĩ logic nên khi cần tính toán máy có thể thay thế.
- Lại có một nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng hiện nay các em học sinh Việt Nam giải toán rất tốt, cho đáp số đúng nhưng thực chất lại không hiểu bản chất vấn đề như thế nào. Phải chăng là chúng ta đang tạo ra các thợ làm toán thưa GS?

Ở Việt Nam, thông thường chương trình là những bài toán đố, giải phương trình nhưng thực tế cái người ta cần đó là từ thực tiễn cuộc sống anh đưa thành bài toán để giải quyết, chứ không phải cho luôn phương trình để giải. Có thể người học giải rất thạo nhưng không biết phương trình đó từ đâu ra.
Các nước dạy tốt hơn mình ở chỗ này, nên cho học trò biết bài toán này xuất phát từ thực tiễn nào. Từ đó học trò hiểu được bản chất, làm việc tốt hơn, yêu toán hơn. Nếu không, các em học sinh sẽ không hiểu được toán để làm gì.
Việc giảng dạy Toán ở Việt Nam đang thiếu phần nhìn bài toán để phản ánh cuộc sống, mà chỉ cần tính toán không thôi thì không làm cho đa số học sinh yêu thích. Chỉ những em đặc biệt thích mới hiểu được.
Thậm chí, ở Trung Quốc người ta còn đưa chính trị vào Toán cực kỳ khéo léo. Ví dụ có đề bài: Vệ tinh nhân tạo của Liên Xô nặng 8 kg, của Mỹ nặng 100 kg, của Trung Quốc nặng 400 kg. Hỏi vệ tinh nhân tạo đầu tiên của TQ gấp mấy lần Mỹ, mấy lần Liên Xô.
Theo quan điểm của tôi, Toán học không hề khô khan chút nào.
- GS Phạm Minh Hạc từng chia sẻ trên báo chí rằng: “Học sinh bây giờ sung túc chứ không sung sướng”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Học sinh bây giờ khổ hơn ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa, chúng tôi học nhàn nhã và không vất vả như các cháu bây giờ.
- Phải chăng, chính việc học thêm tràn lan như hiện nay đã khiến các em học sinh cảm thấy vất vả hơn trong khi không thu nhận được thêm nhiều kiến thức mới?

Đúng như thế. Theo tôi học thêm không phải học như hiện nay mà cần thay đổi. Tôi lấy ví dụ trong buổi học thêm về phần đạo hàm có thể giảng về máy bắn tốc độ. Như vậy học sinh vừa hiểu hơn vừa thích thú hơn với việc học thay vì đưa cho học sinh các phép tính đạo hàm phức tạp.
Bây giờ cũng có một thực tế đó là nhiều phụ huynh luôn cảm giác lo lắng vì thấy con người khác đi học thêm mà con mình không đi thì sợ không theo kịp bạn bè.
- Trước đây, trong việc dạy những người con của mình, Giáo sư có hướng con cái mình học thêm nhiều không?
Tôi dạy con theo hướng để con thích nhiều hơn, mặc dù con tôi có học đội tuyển, đi thi quốc tế nhưng đầu tiên là làm cho nó thích thực sự. Cũng có học thêm nhưng ít thôi. Mục đích học là để nâng cao kiến thức.
Tôi may mắn vì con được học các thầy tốt nên luôn cảm thấy vui vẻ và không hề nặng nề. Cháu tôi ở nước ngoài nên cũng thoải mái, học văn học là chủ yếu. Thường chỉ học thêm văn học, lịch sử, âm nhạc, nhảy chứ không học thêm toán.
Buồn cười chuyện "dạy chữ", "dạy người"
- Hiện nay, nhiều người cho rằng chúng ta nên chú trọng dạy người chứ không chỉ dạy chữ. GS có đồng tình với nhận định này?
Hiện nay các trường cứ nói đến chuyện dạy người và tôi thấy rất buồn cười, bởi lẽ dạy chữ tốt sẽ thành người, còn nếu chưa thành người thì tức là dạy chữ không tốt.
Những giá trị vĩnh cửu của nhân loại như văn học cổ điển, nếu đứa trẻ được học văn học cổ điển cẩn thận thì làm sao trở thành người xấu được. Dạy chữ tốt thì sẽ dạy người tốt, chứ tại sao lại phải hô hào dạy chữ - dạy người. Nhiều vị lãnh đạo cho rằng chúng ta quá chú trọng dạy chữ mà không chú trọng dạy người, điều đó là do dạy chữ chưa tốt thì sẽ khiến dạy trẻ thành những kẻ giả dối.
- Vậy, thời của giáo sư đi học, học sinh được dạy như thế nào?

Tôi nghĩ hồi đó, chúng tôi được dạy toàn diện hơn. Trường tôi còn dạy vẽ, âm nhạc. Càng ngày chương trình càng dở, môn Sử ngày xưa chúng tôi học rất nhiều về thế giới, nhưng hiện nay các em hầu như chỉ học sử từ khi có Đảng thì sao khiến chúng nó thích được, mà đã không thích thì các em sẽ không hiểu gì về lịch sử.

- Giáo sư có bao giờ áp đặt trong việc dạy dỗ con cái theo những khuôn mẫu nhất định?

Thực ra trẻ con nhà tôi phát triển tự nhiên từ bé, cả nhà thích đọc nên nó cũng thích đọc, cũng may ở chỗ đó.
Con tôi bây giờ đang là tiến sĩ về kinh tế, nhưng cũng là toán. Việc theo đuổi nghề nghiệp như thế nào do con tự quyết định. Thực ra tôi chỉ làm được một việc cho con đó là khơi dậy đam mê học tập, tìm hiểu khoa học còn sau đó nó làm gì là việc của nó.

- Việc đầu tư cho các đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc tế của Việt Nam hiện nay như thế nào thưa GS?
Thực ra mình chưa đầu tư gì nhiều, như các nước Thái Lan, Sing còn đầu tư hơn nhiều. Tôi nghĩ cũng giống như thể thao, để có được đội bóng giỏi không chỉ đầu tư vài anh được, phải có nền tảng mới phát triển được. Nếu đại trà mình kém thì không thể tạo ra một số em giỏi.
GS Ngô Bảo Châu là trường hợp ngoại lệ và cũng có nhiều điều kiện học hành. Tôi nghĩ không nên nghĩ đầu tư để có được vài kiệt xuất.
Giáo sư đã được thừa hưởng gì từ chính truyền thống hiếu học của gia đình mình?
Gia đình tôi có truyền thống học và thích học. Cha mẹ tôi cũng không có dạy gì đặc biệt, trong nhà từ bé lớn lên đã thấy sách vở rồi cứ thế đọc và ngấm dần, hai người con của tôi cũng vậy.
Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy về Toán, được biết Giáo sư cũng thường xuyên viết blog. Phải chăng giáo sư cũng là người yêu thích văn chương?
Tôi thích văn hơn toán, được bắt nguồn từ nhỏ. Hồi đó tôi học phổ thông tôi rất thích văn nhưng bố tôi bảo không nên đi văn bởi hồi đó có nhóm nhân văn giai phẩm, bố tôi sợ tôi đi tôi cũng dễ say sưa vào, nên muốn tôi đi học toán cho độc lập, bên cạnh đó tôi cũng rất thích toán, nói chung môn học nào tôi cũng thích. Toán học có tính độc lập.
Mục đích dạy toán ở phổ thông chỉ là xây dựng kiến thức nền tảng cho con người về mọi mặt, nên không thể thiếu văn, sử và toán. Về việc học toán thì mục đích đó là trang bị suy luận logic cho học sinh, và dạy con người những đức tính trung thực, tôn trọng quy luật khách quan.

- Xin cảm ơn Giáo sư!
giaoduc.net.vn
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top