Sonate "Ánh trăng" của L.v.Beethoven

Sonate "Ánh trăng" của L.v.Beethoven
06:23' 16/04/2005 (GMT+7)
Soạn: AM 351567 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Beethoven là người phát triển chủ nghĩa cổ điển đến đỉnh cao và cũng được xem là người bắc cầu cho chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc. Ở một số trường hợp, ông đã phá vỡ những truyền thống cổ điển để phục vụ cho những ý đồ nghệ thuật mới mẻ.

Điều đó được thể hiện khá rõ trong liên khúc sonate của ông. Beethoven không hài lòng với tính đặc thù riêng lẻ của từng chương trong liên khúc sonate cổ điển, ông muốn tìm kiếm một nguyên tắc khác - đó là sự thống nhất về âm nhạc của toàn bộ sonate nói chung. Và ông đã thực hiện được ý tưởng này trong sonate số 14 viết cho piano ở điệu tính Do thăng thứ (op. 27).

Beethoven gọi tác phẩm này là Sonate phóng tác, nhưng thực tế nó được phổ cập rộng rãi với tên gọi Sonate Ánh trăng mà nhà thơ Ludwig Rellstab (ở Berlin) đã đặt. Khi nghe bản sonate này, Ludwig Rellstab đã hình dung ra một đêm trăng tuyệt đẹp bên bờ hồ. Nhưng như thế, Ludwig Rellstab chỉ mới đề cập đến cái vỏ của tác phẩm, thật ra đằng sau khung cảnh thơ mộng đó là cả một thế giới nội tâm phong phú sinh động, từ sự chiêm nghiệm, bình lặng cho đến tuyệt vọng cao độ...

Một số người khác thì gắn Sonate Ánh trăng với mối tình dang dở của nhạc sĩ và Giulietta Guicciardi (người được đề tặng tác phẩm này), nhưng nội dung của Ánh trăng đã vượt khỏi xúc cảm tình yêu, tình yêu chỉ như một nguyên cớ để tác phẩm ra đời. Sonate này đã báo trước cho những tác phẩm của chủ nghĩa lãng mạn.

Sonate Ánh trăng thuộc loại tác phẩm phổ cập nhất của Beethoven và là một trong những tuyệt phẩm của âm nhạc cổ điển. Cả 3 chương của sonate là một chỉnh thể nhất quán.

Chương I, không có những tương phản và những gay gắt như thường thấy trong truyền thống cổ điển. Ở đây là những âm điệu khoan thai, trầm tĩnh. Trên nền những hợp âm rải xuất hiện giai điệu sâu lắng, sau đó lắng dần và xuất hiện nỗi buồn day dứt, đưa người nghe vào thế giới của niềm mơ ước và hồi ức... Chương này được xem là một bản dạ khúc tuyệt vời.

Chương II, với những nét tương phản nhẹ nhàng, mềm mại, được xem như đoạn chuyển tiếp từ chương I với những tâm trạng thơ mộng để sang chương kết hùng dũng và kiêu hãnh.

Chương III (chương kết), được viết ở hình thức sonate. Trong chương này, lần lượt những chủ đề với tính chất khác nhau vang lên trong những dòng thác âm thanh, thể hiện thế giới sôi động của tâm hồn con người. Và lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc thế giới, Sonate Ánh trăng đã tạo nên một hình tượng âm nhạc hoàn chỉnh hiếm có về nội tâm con người.

Toàn bộ 3 chương của tác phẩm đã đạt được sự thống nhất cao là nhờ vào sự phát triển motiv rất tinh tế của những chủ đề ở các chương. Sonate Ánh trăng ghi dấu một cột mốc quan trọng trong bước đường sáng tạo của Beethoven, là tiền đề cho những tác phẩm có nội dung tư tưởng rộng lớn hơn.

Hữu , Trịnh. "Sonate 'Ánh trăng' của L.v.Beethoven." (2005). 4 Mar. 2006 <http://www.giaidieuxanhcuoituan.vietnamnet.vn/huongdannghenhac/2005/04/410833/>.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top