Phải làm sao để kì thi phản ánh đúng thực chất

lion

Moderator
Staff member

TS Lê Trường Tùng
Theo dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi và tuyển sinh trong thời gian tới. Do đó, rất có thể năm 2015, chỉ còn một kỳ thi quốc gia. TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT đã chia sẻ về vấn đề này.
Theo TS.Tùng đến thời điểm này, không còn phải bàn quan điểm như thế nào mà là thực hiện như thế nào về một kỳ thi quốc gia. Vì từ năm 2013 khi thông qua NQ TW8, một trong những việc quan trọng phải làm là thay đổi cách thức thi cử, làm thế nào để việc thi cử trở nên gọn nhẹ. Một kỳ thi có hai mục đích là HS được công nhận tốt nghiệp THPT và các trường ĐH, CĐ dựa vào đó để xét tuyển. Quan điểm đã khá rõ. Có lẽ điều mà mọi người băn khoăn là liệu thực hiện vào năm 2015 có quá vội vàng không và phải làm như thế nào? Còn chuyện phải thay đổi cho khác hiện nay là hai kỳ thi cách nhau một tháng thực tế đã triển khai. Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã triển khai cho 60 trường tuyển sinh riêng và không thấy sao cả. Mọi năm thi tốt nghiệp 6 môn, năm nay gần đến ngày thi mới quyết định thi 4 môn cũng thấy không có vấn đề gì. Tôi thấy điều lo ngại nhất của xã hội có lẽ không phải là vấn đề kỹ thuật để tổ chức một kỳ thi quốc gia mà là làm thế nào để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi và kết quả thực sự đáng tin cậy. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, chuyện tiêu cực khó có thể dẹp. Ai cũng muốn không có tiêu cực là tốt nhưng thực tế nó đang là hiện tượng xã hội. Nguy hiểm nhất là tiêu cực đã được bình thường hóa, dẫn đến thực trạng dường như nếu không tiêu cực thì sẽ thiệt thòi. Tôi thấy quan niệm này đang là môi trường cổ vũ cho việc làm bậy. Làm người tốt sẽ bị thiệt. Tâm lý này rất khó bỏ, cần thời gian dài để giá trị xã hội được xây dựng, khẳng định lại giá trị thực.

* Chính vì tâm lý đó, nên nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thưa TS?

- Thi tốt nghiệp hiện nay đang tổ chức dưới dạng một kỳ thi giao cho địa phương, các cụm làm trong bối cảnh thực tại là khó để có thể yên tâm và khó có thể tin rằng kỳ thi phản ánh đúng thực chất. Nhưng không vì khó mà không làm, không có phương án nào cầu toàn được hết. Chỉ làm thế nào để hạn chế bớt tiêu cực bởi thực tế có thể hạn chế bằng xét tốt nghiệp không chỉ dựa vào kết quả kỳ thi mà còn xét kết quả học 3 năm THPT để giá trị của kỳ thi không còn mang giá trị tuyệt đối. Thứ hai là lấy điểm xét vào ĐH, CĐ, nó cũng không phải là yếu tố cuối cùng. Vì các trường có quyền tổ chức một kỳ thi riêng, kiểm tra thế nào đó là theo yêu cầu của các trường. Giả sử có lọt lưới thì vẫn còn 4-5 năm học ĐH. Nếu làm tốt trong quá trình dạy ở ĐH thì đầu vào không quá quan trọng.

*Không tuyệt đối hóa, không cầu toàn, vậy theo ông nên làm thế nào?

- Cái khó nhất là làm thế nào có biện pháp cứng, mạnh tay để góp phần hạn chế bớt tiêu cực. Ít nhất là tuyên chiến với tiêu cực. Nên có những giải pháp đủ cứng để vừa cảnh báo, vừa ngăn chặn, vừa xử lý, thậm chí xử lý nặng để tránh tâm lý làm người tốt sẽ bị thiệt. Giả sử một thí sinh tiêu cực trong thi cử hoàn toàn có thể áp dụng việc truất quyền thi sau phổ thông 3 năm, 5 năm... kể cả du học nước ngoài. Hoặc giám thị, nếu vi phạm thì sẽ loại khỏi ngành. Còn nếu địa phương nào để xảy ra tiêu cực thì có thể xem xét có bổ nhiệm lại khi hết nhiệm kỳ không? Trước mắt không tăng lương... Tôi nghĩ nếu có giải pháp mạnh thì ổn. Còn bây giờ mới chỉ dừng lại ở lập biên bản, hay hình phạt phải chịu không đủ sức răn đe.

* Theo ông, liệu thời cơ đã chín muồi để chúng ta thực hiện chưa và cách thức thực hiện sẽ phải như thế nào?

- Khi thay đổi chuyện thi dù muốn hay không sẽ đụng đến nhiều vấn đề. Quan trọng nhất là giải quyết vấn đề tiêu cực và tạo nhiều biến động. Tôi nghĩ không nhất thiết phải gộp môn. Bởi nó không có giá trị gia tăng trong thời điểm hiện nay. Các môn hiện nay đều học rời. Trước mắt chưa cần thiết phải triển khai theo bài thi để không làm phức tạp thêm. Nên đang học như thế nào thì thi như thế. SGK chưa thay đổi thì cũng không nên thay đổi. Triển khai sau vẫn còn kịp. Theo tôi, cách thức thi có thể thay đổi, còn nội dung thi thì chưa nên thay đổi. Vì vẫn tâm lý cái gì học mới thi. Tôi nghĩ chỉ cần thi 6 môn thay vì 8 môn như Bộ đề xuất. 6 môn là đủ kiến thức chuẩn, 3 môn theo định hướng nghề nghiệp, 3 môn bắt buộc. Như thế sẽ giảm tải. Thi thế nào sẽ ảnh hưởng đến học. Thi thế nào, HS sẽ học thế.

*Xin cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Học sinh không có gì phải lo lắng

Những năm vừa qua, chúng ta đều đổi mới công tác ra đề thi. Thành công nhất là năm 2014, chúng ta đã ra được đề thi rất phù hợp với khả năng làm bài của học sinh cũng như phân loại được học sinh. Do bài của chúng ta có kết cấu phù hợp như thế nên có thể đưa vào bài thi một số phần cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông, đồng thời cũng đưa những kiến thức nâng cao, phân loại học sinh để tuyển sinh ĐH, CĐ. Thành công trong công tác ra đề thi những năm gần đây khiến chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng ra đề thi với 2 mục đích cho kỳ thi quốc gia sắp tới.

Cách học và dạy ở phổ thông chưa thay đổi gì, dù thi theo môn thi hay thi tổng hợp bài thi với nhiều môn riêng rẽ. Do đó, chưa yêu cầu học sinh phải có kiến thức tích hợp. Học sinh không có gì phải lo lắng, vẫn học như bình thường những kiến thức có trong SGK. Việc thay đổi của một kỳ thi quốc gia đó là rất có lợi cho thí sinh: Một kỳ thi có thể xét tuyển được nhiều trường ĐH. Trong khi đó, trước đây, muốn làm được việc đó, thí sinh phải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và một trong 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thứ hai, thi xong rồi, có kết quả các em mới đăng ký xét tuyển. Do đó, tránh hoàn toàn rủi ro như thi 3 chung trước đây quy định. Đối với những học sinh đã có bằng phổ thông rồi, thì chỉ thi những môn các trường cần xét tuyển. Vì vậy, cả nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi đều có lợi cho thí sinh, các em cứ yên tâm học tập.


gdtd

 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top