Nhà trường tốt, thầy giáo tốt không thay thế được môi trường xã hội tốt

lion

Moderator
Staff member

Nhà văn Hữu Thỉnh
Những năm gần đây, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng việc dạy và học văn trong nhà trường đang nảy sinh nhiều bất cập. Kéo theo đó là sự giảm sút văn hóa đọc, gia tăng lối sống vô cảm trong một bộ phận học sinh, sinh viên…Hội Nhà văn Việt Nam đã bắt tay với ngành GD&ĐT để nâng cao chất lượng dạy, học văn trong nhà trường và chống lối sống vô cảm trong học sinh. Nhà văn Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: Tư duy lý tính ngày càng phát triển trong xã hội hiện đại, nếu không có sự cân bằng về tâm hồn, sẽ dẫn đến thói vô cảm trong xã hội. Tâm hồn và thẩm mỹ con người cần được bồi dưỡng qua hệ thống giáo dục.
Văn hóa đọc – Một thứ xa xỉ với giới trẻ
*PV: Xã hội đang gióng lên hồi chuông báo động về sự suy giảm văn hóa đọc trong thế hệ trẻ. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?
- Thực tế hiện nay, giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến văn hóa đọc. Thời gian dành cho học tập, vui chơi cũng như sự đa dạng của các phương tiện thông tin đại chúng đã vô tình đẩy giới trẻ ngày càng xa rời văn hóa đọc. Chẳng khó gì nếu bỏ ra 15-30 phút mỗi ngày để cảm nhận một tác phẩm văn chương. Nhưng hiện nay, với nhiều người, nhất là đối với giới trẻ điều này trở nên xa xỉ, hiếm thấy.
Có thể nói, văn hóa nghe nhìn có phát triển đến đâu đi nữa cũng không thể thay thế văn hóa đọc. Bởi văn hóa đọc là đi vào tâm hồn con người với những rung động thẩm mỹ. Chỉ khi tiếp cận với văn hóa đọc mới thấy rung động chiều sâu trong cảm xúc của mỗi người. Với văn hóa nghe nhìn, chúng ta tiếp thu nó ở trạng thái bị động, mình được tiếp thu. Còn với văn hóa đọc, chúng ta cùng sáng tạo với nhà văn, người đọc là đồng tác giả, không bị động mà có thể yêu, ghét, giận cùng nhân vật trong mỗi tác phẩm. Điều này giúp bồi dưỡng tâm hồn cho người đọc.
* Theo ông, liệu chúng ta có thể khôi phục được văn hóa đọc và làm thế nào để khôi phục?
- Một trong những mục tiêu giáo dục con người toàn diện là khôi phục lại văn hóa đọc. Điều này rất quan trọng. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Trước tiên, phải làm sao để văn hóa đọc phải “sạch”, chứ không phải văn hóa mạng như bây giờ. Không thể phủ nhận văn hóa mạng cũng có cái được, nhưng cái được nhỏ bé ấy lẫn trong bao mặt trái chạy theo thị hiếu xô bồ được đăng tải. Bao nhiêu thứ chưa tốt, vô bổ được đưa lên mạng không có tác dụng gì cho giáo dục trẻ. Người lớn phải lựa chọn sách gì cho trẻ em đọc, chứ không phải dẫn các em vào “chợ trời” văn hóa, rồi bỏ mặc các em bơ vơ ở đó, rất nguy hiểm.
Cần giảm bớt hơn nữa sức nặng học đường, tạo thêm thời gian đọc sách báo văn chương cho trẻ em, giảm bớt sự quan tâm của trẻ em đối với truyện tranh, tranh truyện, ti-vi, máy tính điện tử cùng các hình thức nghe, nhìn và giải trí khác.Người lớn cần hình thành cho trẻ em thói quen đọc sách, định hướng cho các em những kỹ năng đọc sách đúng; từ đó sẽ giúp các em yêu quý trở lại những cuốn sách, thúc đẩy được nhu cầu đọc của các em.
* Về phía nhà trường cần có những biện pháp nào, thưa ông?
- Trong nhà trường có 2 khâu quan trọng, đó là: Chương trình hay, thầy dạy giỏi. Thầy cô giáo là linh hồn cho mỗi bài giảng. Đặc biệt, dấu ấn của thầy cô giáo dạy văn rất sâu sắc, thấm sâu và có sức ảnh hưởng lớn, có thể theo suốt đời học trò.
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc dạy và học văn trong nhà trường nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều nhà giáo không còn tâm huyết, trăn trở khi bắt tay vào soạn giảng những bài văn, bài thơ có tính giáo dục cao, học trò thì thờ ơ với môn học này, chỉ tập trung học để thi một cách máy móc, sáo rỗng. Chính bởi vậy mà mới đây Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết với Bộ GD&ĐT chương trình “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2020” nhằm giải quyết vấn đề dạy văn học trong nhà trường. Theo đó, Hội Nhà văn sẽ tham gia vào biên soạn SGK, đóng góp ý kiến nên đưa nội dung gì vào sách, đồng thời phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức văn học cho giáo viên…Có nhiều cách để đổi mới việc dạy và học văn cho nhà trường. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để học sinh tiếp thu được linh hồn, thế giới thẩm mỹ của các tác phẩm văn học, nhất là thông điệp mà tác phẩm ấy muốn chuyển tải đến người đọc, từ đó sẽ nâng cao được văn hóa đọc trong học sinh.

Khơi dạy văn hóa đọc trong giới trẻ
Giáo dục của chúng ta hiện nay đang có nhiều hạn chế. Học sinh luôn ở thế bị động là đi học bắt buộc phải làm bài tập môn này, môn khác trong khi hoạt động “mở”, hoạt động ngoại khóa để giúp các em mở mang kiến thức xã hội còn eo hẹp. Sự tương tác giữa thầy và trò chưa rõ nét. Thực tế trong các giờ giảng văn, thầy giáo giỏi là người biết biến độc thoại thành đối thoại, kéo các em hòa vào bài học, đánh thức tâm hồn, tính thẩm mỹ cho các em. Các em không cảm thấy luôn luôn bị dạy dỗ, áp đặt. Giáo dục hiện đại cần thay độc thoại bằng đối thoại.
*Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện nhiều sách tham khảo, sách truyện không đảm bảo tính giáo dục, không được kiểm soát về chất lượng. Là một nhà văn quan tâm đến sáng tác văn học cho giới trẻ, ông có thấy lo lắng về thực trạng này?
- Theo tôi, tình trạng sách, truyện tham khảo xuất hiện trên thị trường mà không qua kiểm soát phải truy từ nguồn gốc. Nền giáo dục xuất phát từ phúc lợi xã hội. Nếu giáo dục mang yếu tố thương mại sẽ rất nguy hại. Việc một loạt sách tham khảo tràn lan, biến nền giáo dục là thiên đường của tuổi thơ thành nơi kinh doanh thu lợi nhuận. Họ kéo các em vào những chuyện vô bổ, rẻ tiền. Ngoài ra, những năm gần đây còn xuất hiện khá nhiều những cuốn sách làm văn mẫu hạn chế sự tưởng tượng, sức sáng tạo của trẻ em, biến các em thành những chiếc máy đi sao chép một cách vô cảm. Chúng ta đang dạy học trò học để thi chứ không phải học để chiếm lĩnh nền văn hóa. Học vì bằng cấp chứ không phải thành con người phát triển toàn diện.
Hà Nội sắp có bảo tàng văn học – sân chơi văn hóa cho trẻ em
*Được biết Hội Nhà văn Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng Bảo tàng văn học Việt Nam, trong đó chú trọng đến giáo dục văn học, văn hóa cho thế hệ trẻ. Xin ông cho biết thêm về công trình này?
- Giáo dục ở nhà trường hiện nay là giáo dục về tri thức, kiến thức, học vấn, thể lực và trí tuệ khá toàn diện nhưng chưa đủ. Vấn đề giáo dục gia đình vô cùng quan trọng với việc hình thành nhân cách con người. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa coi trọng đúng mức giáo dục gia đình. Cùng với đó là sự thiếu hụt những sân chơi văn hóa, kênh giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho thế hệ trẻ.
Bảo tàng Văn học VN đang trong quá trình hoàn thiện sẽ góp phần khắc phục khoảng trống đó, tạo cho các em mở rộng tri thức về lịch sử, văn hóa, văn học, đặc biệt là đọc các tác phẩm góp phần xây dựng tâm hồn, tạo cho các em biết rung động trước cái đẹp, trước cuộc sống, chữa bệnh vô cảm, nhen lên lòng thương người, vị tha...
Dự án Bảo tàng Văn học Việt Nam (ngõ 275, đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) được khởi động từ năm 2001, hiện đang trong giai đoạn trưng bày để đưa vào sử dụng từ tháng 9/2013. Bảo tàng rộng hơn 4000m2, sưu tầm được khoảng 2,4 vạn hiện vật về văn học Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử từ văn học dân gian đến văn học đương đại. Trong đó có nhiều bản thảo, bút tích, đồ dùng của các thế hệ nhà văn; các tác phẩm in lần đầu hoặc được tái bản nhiều lần; kho tư liệu hình ảnh, tiếng nói của các nhà văn; tượng các nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh... Bảo tàng có khu vực dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng, sinh viên, người làm nghiên cứu…
* Hiện vật văn học sẽ bao gồm những gì, thưa ông?
- Hiện vật văn học sẽ gồm 3 phần: tác phẩm của nhà văn, đời sống của nhà văn và quan hệ xã hội của nhà văn. Phải làm thế nào để mọi thứ thật sống động. Bảo tàng sẽ không chỉ lưu giữ hình ảnh mà cả tiếng nói của nhà văn. Tiếng nói hiện đại có trong nguồn lưu trữ của Đài tiếng nói VN, bởi như Nguyễn Tuân, Kim Lân đều đã có thời kì đóng phim. Thông tin về tất cả các nhà văn hiện đại sẽ được lưu giữ trong máy tính và trình chiếu cho khán giả xem.
Bảo tàng có nhiều hình thức, cung cấp qua hiện vật: cây cảnh, đồ vật từ thời cổ đến kim…Đây là những hiện vật “biết nói” giúp các em tìm hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc. Đó là nền văn hóa dân tộc lúa nước lâu đời, có lịch sử chống ngoại xâm anh hùng. Đây cũng là trường học, tạo sự thích thú, không gò ép, vừa chơi, vừa học, mang đến cho các em tri thức, vốn sống về văn hóa dân tộc từ những hiện vật cụ thể. Bảo tàng còn tạo sân chơi diễn giả cho trẻ em, để các em tập nói, tập diễn thuyết trước đám đông, tập làm nhà lãnh đạo…Các hoạt động của Bảo tàng đều hướng tới một sự giáo dục được tạo ra bằng hứng thú, không ép buộc, áp đặt các em, giúp minh họa, bổ sung cho kiến thức trong sách vở khiến các em gần hơn với thực tiễn cuộc sống. Bảo tàng xây dựng mang thông điệp dành những gì tốt đẹp nhất, hay nhất cho trẻ em.


* Như vậy có thể thấy, khi Bảo tàng Văn học Việt Nam đi vào hoạt động sẽ phần nào giải quyết được bài toán văn hóa đọc và tạo thêm sân chơi văn hóa cho học sinh. Ông nghĩ sao khi thực tế hiện nay nhiều Bảo tàng vẫn trong tình trạng im ắng vì chưa thu hút được người xem, nhất là giới trẻ đến với mình?
- Khách tham quan của bảo tàng văn học sẽ có những đối tượng nhất định: các nhà văn, nhà thơ, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh... Chúng tôi sẽ có những kế hoạch liên kết với các trường học thật chặt chẽ để bảo tàng có thể sống được. Bảo tàng không chỉ là nơi cung cấp kiến thức văn học cho người xem mà phải còn là nơi vui chơi, giải trí có định hướng. Bởi vậy, trong thiết kế xây dựng đã dành những khoảng không gian phục vụ cho việc này: sân vườn, cây cỏ, một con đường tản bộ để có thể ngồi đánh cờ, ngâm thơ...Bên cạnh chương trình ký kết với Bộ GD&ĐT, Hội Nhà văn cũng đã có kế hoạch phối hợp với TW Đoàn tổ chức cho học sinh, thanh thiếu nhi đến với Bảo tàng để vừa học, vừa chơi, vừa nghỉ ngơi, giải trí.
Tuy nhiên, chúng ta cần thấy rằng, có sách vở tốt, nhà trường tốt, bảo tàng tốt nhưng những điều này không thay thế được môi trường xã hội tốt. Môi trường ấy chẳng khác nào không khí, ánh sáng cho trẻ em phát triển một cách toàn diện. Xây dựng được một xã hội giàu nhân tính, tình thương, lẽ phải và sự công bằng, chúng ta sẽ có được môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ em và đội ngũ nhà văn, nhà thơ cũng có nhiều lợi thế để sáng tác những tác phẩm văn học chất lượng, phù hợp với trẻ em.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 41+42 (tháng 5&6/2013)
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top