Làm sao giữ nếp nhà

lion

Moderator
Staff member
Các cụ ta xưa gọi là gia phong, bà con dân gian gọi là nếp nhà, còn bây giờ ta gọi là văn hóa gia đình. Đó là điểm đầu của cái trục sống nghìn đời: Nhà – Họ - Làng – Nước đã thành truyền thống của dân tộc ta. Nhà là gốc rễ, là nơi tái tạo con người, hình thành nhân cách cho các thế hệ tương lai. Xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững luôn là mục tiêu phấn đấu và niềm mong ước của xã hội chúng ta.
Nền nếp gia đình là có trên, có dưới, có già, có trẻ và mọi người phải ứng xử theo phong cách trọng già, quý trẻ, chấp hành tục lệ không thành văn là bề trên nói, bề dưới phải lắng nghe không thể cá mè một lứa. Có điều gì chưa phù hợp thì đợi tới lúc người trên bình tĩnh trở lại mới từ tốn đưa ra ý kiến trao đổi để đi tới hòa đồng.
Muốn giữ được nếp ấy, trước hết người lớn phải làm gương mẫu cho lớp trẻ, cho con cháu soi vào mà noi theo. Nhà dột từ nóc thì rất khó chữa. Ồng bà, cha mẹ rượu chè, cờ bạc, ăn nói sỗ sàng, buôn gian bán lận, sinh hoạt bừa bãi làm sao nói được con, cháu phải nghe mình.
Nhắc các mẹ chồng, nàng dâu
Lối sống không phải bất biến mà thay đổi theo thời đại. Xưa sống chung tam, tứ đại đồng đường. Giờ các bạn trẻ lập gia đình, có vợ, chồng là muốn tách ra ở riêng cho tự do, thoải mái. Điều này cũng không có vấn đề gì nhưng đừng quên câu ca “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Ở riêng nhưng vẫn thường xuyên đi về thăm nom, chăm sóc cha mẹ, ông bà lúc trái nắng, trở giời, viên thuốc khi đau, bát cháo lúc mệt, tấm khăn len khi trời đổ lạnh, chiếc áo mới ngày tết…chắc bề trên cũng thông cảm với cuộc sống hiện đại mà thôi.
Còn sống chung có bao mối quan hệ phải ứng xử cho khéo. Hay va chạm nhất là giữa mẹ chồng – nàng dâu. Làm con dâu phải biết tôn trọng mẹ chồng, bởi đó là người đã sinh ra chồng mình. Nói như câu thơ của Xuân Quỳnh “mẹ sinh anh để bây giờ cho em”. Mẹ có khó tính cũng liệu mà chiều vì “mẹ già chưa dễ ở đời với con”. Phải biết nhẫn nhịn “chữ nhẫn là chữ bằng vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Hãy hiểu tâm trạng của mẹ, từ khi có con dâu, con trai mẹ đã chia sẻ một nửa yêu thương cho vợ. Trước đây, đi đâu về câu hỏi đầu tiên là dành cho mẹ, bây giờ sự vồ vập âu yếm lại để cho vợ. Hãy tế nhị, đừng cho mẹ trông thấy cảnh vợ chồng âu yếm nhau lộ liễu như phương Tây. Trước đây, tìm vợ cho con là cả một công việc lựa chọn, xem xét của mẹ. Lấy vợ kén tông, kén được con dâu sâu con mắt. Bởi các cụ đã dạy: “Dâu dữ mất họ”, “dâu về nhà, mẹ già ra cửa”. Về nhà chồng phải “nhập gia tùy tục”.
Còn mẹ chồng nên bỏ qua những gì chưa vừa lòng với nàng dâu. Hãy nhớ “con gái là con người ta, con dâu mới thực mẹ cha mua về”. Con gái lớn lên gả chồng đâu còn gần gũi ở nhà như con dâu, người sẽ chăm nom mình lúc tuổi già, thờ phụng mình khi ra đi về với tổ tiên, cho nên cần thương yêu, quý mến con. Chín bỏ làm mười cho trong nhà êm đẹp chỉ có tiếng cười. Đừng đẩy con trai trước cảnh một bên là mẹ, một bên là vợ vô cùng khó xử. Cũng không nên bực tức vì quyền làm chủ “tay hòm chìa khóa” đang dần mất vào tay con dâu. Đó là sự chuyển giao thế hệ tự nhiên theo quy luật của cuộc sống.

Dặn các ông chồng, bà vợ
Lúc mới yêu, với những cuộc hẹn hò, chờ đợi, nhớ nhung, giận hờn chưa thể giúp hai người hiểu hết được tính nết của nhau. Đến khi đã cưới và thành gia thất mọi cái hay, cái dở của mỗi người mới dần phát lộ.


Phải biết chấp nhận và cảm hóa lẫn nhau, dùng tình cảm mà khắc phục. Cốt lõi là ở sự chân tình, cởi mở, vị tha. Đừng vì một chút sa sẩy mà bé xé ra to. Sự chân thành sẽ giúp nhau sửa chữa sai lầm để hoàn thiện mình, để sống tốt hơn phù hợp với nếp nhà.
Thời trước việc đã có vợ, có chồng còn lang chạ là bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ. Ngoại tình coi là bất chính bị xử phạt nghiêm khắc ở cả trong họ, lệ làng và phép nước. Bây giờ văn minh hơn, người phụ nữ có quyền bình đẳng giới, được tham gia công tác xã hội, được làm mọi công việc như nam giới, đôi khi nhờ tài năng còn hơn chồng cả về chức vụ, địa vị và thu nhập. Đất nước hội nhập, văn hóa lối sống tự do ùa vào làm một bộ phận không nhỏ con người chạy theo bản năng, không kiềm chế được tham vọng yếu hèn. Họ nhìn thấy vợ người bao giờ cũng đẹp, chồng người bao giờ cũng hay. Lại có bao “điều kiện” thuận lợi như khách sạn, nhà nghỉ, nơi du lịch, những chuyến đi công tác cùng nhau để dễ dàng đẩy tới những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ, làm tan vỡ mái ấm gia đình.
Các cụ xưa đã có câu: “Đàn ông một trăm lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người” và “thế gian ba sự không chừa: rượu nồng, dê béo, gái vừa đường tơ”. Nhưng cũng lại biết khuyên can: “ăn sao cho được mà mời, thương sao cho được vợ người mà thương”, hoặc tỏ ý chê trách “Ra đường thấy cảnh hoa rơi, hai tay nhặt lấy cũ người mới ta”. Chồng ngoại tình dẫn đến chuyện vợ trả đũa “ông ăn chả, bà ăn nem” thế là đi tới chuyện chia tay, khiến những đứa trẻ sinh ra thiếu bố hoặc mẹ, mang vết thương trong tâm hồn. Vết thương lòng khó chữa khỏi dẫn đến dễ bị sa ngã, hư hỏng. Cả vợ lẫn chồng phải biết kiềm chế những cái ghen nghi ngờ để tránh những cuộc đánh ghen thiếu văn hóa, làm mất thể diện của nhau, có khi xảy ra xung đột, gây thương tích.
Ca dao có câu “lạt mềm buộc chặt”. Cứ ôn tồn đem lý lẽ mà to nhỏ khuyên nhau, mọi sự dù đã rồi vẫn có thể giải quyết êm thấm được. Đêm khuya, con ngủ cả rồi, vợ chồng gối đầu tay nhau mà thủ thỉ chuyện này, chuyện nọ, thông cảm với việc của nhau, với những trường hợp bất ngờ gặp phải, có thể lại sẽ xuôi chèo mát mái. Cơm và phở ai cũng muốn ăn, nhưng có thứ ăn cho vui, có thứ là cơ bản. Có bài thơ viết về chuyện cơm và phở thế này:
Cơm ngon ăn mãi chán rồi​
Phải đi tìm phở đua đòi người ta​
Cho dù tái nạm, phở gà​
Cuối cùng vẫn phải về nhà vét cơm​
Năm gia đình 2013 là cơ hội để mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi làng xóm, mỗi cơ quan, đoàn thể nhìn lại việc xây dựng gia đình văn hóa trong môi trường xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà chúng ta đang dày công vun đắp.
Không có con người văn hóa thì không có gia đình văn hóa, không có gia đình văn hóa thì không có đời sống xã hội văn hóa. Khâu cốt lõi nằm ở mỗi gia đình. Có nhận thức rõ vai trò quan trọng ấy của gia đình, chúng ta mới thấy những việc cấp bách cần làm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan niệm, hành động ứng xử để duy trì bền vững những mái ấm thân yêu an toàn, lành mạnh, no đủ, hạnh phúc làm nền tảng cho đất nước đi lên.
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top