Không có giáo dục thì không thể phát triển

lion

Moderator
Staff member
Tuy không làm việc trực tiếp trong ngành giáo dục, song PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo TS An: ngoài việc nhận thức đúng đắn về vị trí vô cùng quan trọng của giáo dục đối với đất nước, thì phải có chiến lược giáo dục đúng đắn, được triển khai một cách đồng bộ, hợp lý mới giải được bài toán nâng cao chất lượng nguồn lực cho sự phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giáo dục không thể xa rời thực tế *PV: TS nhìn nhận thế nào về lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong những năm gần đây? - TS Bùi Thị An: Giáo dục, đào tạo trong những năm gần đây đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên đối chiếu với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì còn nhiều bất cập, yếu kém…Trong đó, điều thấy rõ nhất là chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống xã hội Việt Nam đang phát triển. Nguyên nhân của thực trạng này là do định hướng về dạy trong đào tạo chưa chuẩn mực, quá nghiêng về số lượng, hình thức, chưa chú trọng chất lượng. Trong chất lượng lại chưa coi trọng giáo dục phẩm cách, giáo dục tính chân thiện mỹ cho học sinh mà thường chú trọng chuyên môn, nhưng có nghịch lý là chuyên môn cũng chưa đạt yêu cầu. Xã hội, gia đình và nhà trường đều phải chịu trách nhiệm trước những bất cập này. Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết, trực tiếp nhất là ngành giáo dục. Nhìn sâu ở góc độ ngành giáo dục, chúng ta thấy việc đào tạo chưa phát huy được tố chất ham học, ham hiểu biết của con người Việt Nam, đặc biệt còn xa rời thực tế. Tôi đồng cảm và chia sẻ với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trước thông tin mà ông đưa trên báo Giáo dục Việt Nam: “Tất cả các trường đại học trên thế giới đều nhận định là sinh viên Việt Nam nói chung học rất giỏi, tiến bộ rất nhanh và đạt thành tích cao. Chỉ có những người tốt nghiệp tại Việt Nam thì bị “sắp hạng” lộn ngược mà thôi”. Đi vào chi tiết, những năm gần đây, đầu tư cho giáo dục, đào tạo khá lớn so với ngân sách Nhà nước, nhưng chưa đủ ngưỡng để giáo dục có bước đột phá. Đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, gần đây mới phủ tương đối chứ trước đây thiếu trường, lớp ảnh hưởng đến nhu cầu học tập của nhân dân. Trẻ phải học nhiều ca, học điểm lẻ, rồi ánh sáng học đường, bàn ghế chưa đảm bảo khiến gia tăng số trẻ bị bệnh cận thị, cong vẹo cột sống…Trang thiết bị dạy học, phương tiện trực quan cũng còn thiếu. Mặc dù công nghệ thông tin đã phát triển trong nhiều nhà trường, nhưng thực tế việc khai thác, sử dụng chưa đạt hiệu quả. Chương trình học quá nặng nề, gây cho học sinh tâm lý căng thẳng trong học tập, đặc biệt là các đợt kiểm tra, thi cử, bài tập về nhà quá nhiều, kể cả với các học sinh đã học hai buổi ở trường. Do vậy các buổi tối học sinh phải “bò ra” làm bài tập, các ngày nghỉ, ngày chủ nhật trẻ không còn thời gian chơi, giải trí, tập luyện thể thao…Giáo dục nhà trường chưa làm tốt việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học trò, tạo khoảng trống cho các tệ nạn xã hội thời mở cửa xâm nhập. * Theo TS, đội ngũ giáo viên có ảnh hưởng thế nào trong sự vận hành còn nhiều gập ghềnh của ngành Giáo dục? - Đội ngũ giáo viên rất quan trọng quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên có một thực tế là chúng ta đào tạo nhiều giáo viên nhưng chất lượng chỉ ở mức vừa phải. Giáo viên trẻ mới tốt nghiệp có nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Giáo viên có kinh nghiệm lại đến tuổi nghỉ hưu khiến” tre già mà măng chưa kịp mọc”. Thêm vào đó, hầu hết giáo viên tốt chỉ tập trung ở những trường, vị trí có điều kiện. Giáo viên có trình độ, chất lượng thường không về những nơi hẻo lánh, vùng sâu, xa để dạy học. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đối mặt với thực trạng một bộ phận nhà giáo trong cơ chế thị trường mải chạy theo lợi nhuận, không chú ý đến lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội đã thâm nhập vào đội ngũ giáo viên như “bán điểm”, vay nặng lãi, quan hệ bất chính…đã ít nhiều làm mất tính thánh thiện của một nghề cao quý, đó là “dậy người”. Hiện tượng cố tình tạo mọi hình thức để buộc học sinh đi học thêm vẫn còn. Ảnh minh họa Giáo viên là giáo cụ trực quan sống đầu tiên với học trò Trong sự vận hành của ngành Giáo dục, trách nhiệm đội ngũ giáo viên rất lớn. Để bắt nhịp với sự phát triển thì người thầy giáo phải luôn tự bồi dưỡng, đào tạo. Giáo viên là giáo cụ trực quan sống đầu tiên với học trò. Học trò không chỉ học chữ mà học rất nhiều phong cách sống, quan niệm sống, lý tưởng sống từ người thầy giáo. Cũng như vậy, giáo viên phải công minh, khách quan trong đánh giá chất lượng học sinh. Học sinh như tờ giấy trắng, hồn nhiên phải được hưởng sự giáo dục công bằng, việc đánh giá sai, không khách quan sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn, tinh thần của các em. Thực tế, chúng ta có rất nhiều giáo viên mẫu mực, tâm huyết với nghề. Ngành Giáo dục cần phát hiện, nhân rộng những gương sáng này và tạo điều kiện cho họ phát triển, để họ yên tâm gắn bó với nghề, với trò. Bên cạnh đó, phải lựa chọn người giỏi vào trường sư phạm và có cơ chế đặc biệt cho họ. Đặc biệt với giáo viên vùng sâu, xa, cần có chính sách, sự ưu tiên thích đáng để họ vững tâm mang chữ đến với đồng bào dân tộc, với học trò ở những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Không có giáo dục thì không thể phát triển được. Chương trình phổ thông cần giảm tải * TS có nói đến việc ngành Giáo dục quá chú trọng giảng dạy kiến thức chuyên môn, nhưng có một nghịch lý là chuyên môn ấy lại chưa đáp ứng yêu cầu xã hội. Phải chăng đó là hệ quả của bệnh thành tích và xu hướng chuộng bằng cấp vẫn tồn tại lâu nay? - Theo tôi, bệnh thành tích và xu hướng chuộng bằng cấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song không phải mang tính quyết định; điều mà tôi nghĩ đến có lẽ là chúng ta chưa tìm được phương án tối ưu cho quá trình đổi mới giáo dục. Sự đổi mới của ta cứ loanh quanh, luẩn quẩn như kiểu “con kiến mà leo cành đa”. Trong khi đó sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi lĩnh vực giáo dục có sự đổi mới vượt bậc. Chính hai yếu tố này là nguyên nhân chính dẫn đến chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu xã hội. Các nước trên thế giới luôn có dự báo về nguồn lực để định hướng đào tạo. Mặc dù, trong sự phát triển của kinh tế thị trường,dự báo không thể là tuyệt đối chính xác, nhưng cũng góp phần quan trọng vào định hướng đào tạo. Chỉ có như vậy, sinh viên mới lựa chọn đúng ngành nghề và khi ra trường sẽ tìm được việc làm đúng ngành, nghề, tránh sự lãng phí cho bản thân, xã hội. Thực tế, chúng ta cần nhiều người giỏi, có tay nghề cao thì lại thiếu hụt, trong khi những nhân lực không đáp ứng yêu cầu lại thừa nhiều, muốn sử dụng phải đào tạo lại. Tại sao cứ phải chọn con đường vào đại học, phải là kỹ sư, bác sĩ…mới là lập nghiệp. *Ngành Giáo dục đang nỗ lực bắt tay vào đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Theo TS, đâu là những giải pháp cần hướng tới? - Yêu cầu đổi mới toàn diện là toàn bộ những gì liên quan đến giáo dục. Tuy nhiên, cần phải chọn cái gì là trọng tâm để đổi mới chứ không dàn trải. Bên cạnh yêu cầu gia tăng trường lớp, nâng cao chất lượng cả về trình độ chuyên môn và phẩm chất của đội ngũ giáo viên thì đổi mới quan trọng nhất vẫn là nội dung chương trình. Trong đó, chương trình phổ thông cần giảm tải, để học sinh có điều kiện học tập, vui chơi, giải trí, để là một cô, cậu bé đúng lứa tuổi, phát triển một cách bình thường chứ không chỉ gù lưng đeo một chiếc ba lô nặng trịch với những kiến thức không cần thiết. Giảm tải chương trình không phải làm cho nó quá dễ đến mức không đáp ứng kiến thức chung đòi hỏi. Vấn đề ở đây là làm cho chương trình tối ưu, logic chặt chẽ, tránh sự chồng chéo, gạt bỏ những kiến thức không cần thiết. Đổi mới nữa là về định hướng trong đào tạo. Nhà trường cần chú ý đến việc giáo dục, hình thành nhân cách, muốn dạy các em nên ông nên bà, cả ở nghĩa đen và nghĩa bóng thì trước hết phải dạy các em thành con người tử tế. Muốn vậy, trong chương trình giáo dục cần có thời gian và nội dung cần thiết để bồi dưỡng tính nhân văn và sự ham hiểu biết của học sinh. Trên cơ sở đó, mới dạy được học trò yêu đất nước, yêu lao động, tránh sự vô cảm… Thực tế hiện nay, có nhiều ngành cần “cảm” nhất thì lại vô cảm, vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, của dân, làm xói mòn niềm tin trong xã hội. * Giảm tải chương trình, tăng cường giáo dục đạo đức liệu có khiến học sinh bị hổng kiến thức không, thưa TS? - Như trên đã nói, giảm tải chương trình không phải bỏ những cái khó trong chương trình, kiến thức trong lĩnh vực khoa học tự nhiên phải bằng lượng kiến thức trong chương trình củacác nước có nền giáo dục tiên tiến mà chúng ta chỉ bỏ đi sự chồng chéo, những kiến thức xa vời và không cần thiết. Ảnh minh họa Giảm tải chương trình để học sinh có thời gian vui chơi, giải trí * Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục cũng rất cần sự vào cuộc của xã hội. Ý kiến của TS về vấn đề này? Điều đó là hiển nhiên vì giáo dục không phải của riêng nghành giáo dục, mà của mọi người và toàn xã hội. Sự nghiệp đổi mới giáo dục không thể thành công khi đất nước “đứng im”, khi hệ thống chính trị và xã hội “đứng ngoài cuộc”. Xã hội cần có đầu tư thích đáng cho giáo dục, đầu tư có kiểm soát chứ không tràn lan, không hiệu quả, lãng phí và gây bức xúc trong xã hội. Trong đầu tư cho giáo dục chú ý đầu tư toàn diện, không chỉ là xây phòng học mà phải đồng bộ có khu vui chơi, khu đa năng, phòng thực hành để hỗ trợ việc học tập toàn diện cho học sinh. Công tác xã hội hóa cũng phải được kiểm soát, không tạo sự phân biệt giữa trẻ em nhà giàu- nhà nghèo, gây bất bình đẳng trong giáo dục. Biết lắng nghe trẻ em, tôn trọng trẻ em, đưa quyền được lắng nghe, được trình bày của trẻ em vào Luật. Những việc liên quan đến các em phải có ý kiến của các em. Xã hội cũng cần phải định hướng lại, không nên đề cao một cách thái quá về học hàm, học vị mà nên tôn trọng những người có tài thực sự, có trí sáng tạo, người làm ra của cải vật chất. Sống thực chất, không chạy theo bằng cấp. Giáo dục hiện nay có nhiều vần đề bất cập, tuy nhiên có thể đây là lỗi của cả một thời kỳ nhiều năm qua, nên không thể chỉ đổ lỗi cho người quản lý hiện tại mà cần có sự nhìn nhận một cách khách quan, hệ thống. Song, theo tôi những ngườilãnh đạo ngành Giáo dục hiện nay cần biết lắng nghe, quyết tâm thuyết phục mọi người để xã hội đồng thuận, chia sẻ và cùng ngành giải quyết vấn đề. Phải biết chọn “gốc” vấn đề để chăm bón cho cây xanh, đơm hoa, kết trái. * Xin cảm ơn TS!
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top