Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2014 - P1

lion

Moderator
Staff member
Căn cứ Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 3 năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 04/2013/TT-BGDĐT ngày 21/02/2013, Thông tư số 06/2013/TT-BGDĐT ngày 01/3/2013, Thông tư số 09/2014/TT-BGDĐT ngày 25/3/2014 được hợp nhất tại văn bản số 11/VBHN-BGDĐT ngày 04/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (gọi tắt là Quy chế 10);Căn cứ công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 01/4/2014 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014 (gọi tắt là công văn 1656);

ảnh minh hoạ
Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn cụ thể về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 như sau:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA KỲ THI
1. Mục đích
- Đánh giá, xác nhận trình độ của người học theo mục tiêu giáo dục sau khi học hết chương trình THPT;

- Làm cơ sở để chuẩn bị cho người học tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

- Làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả dạy và học của trường phổ thông; đánh giá công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục.

- Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, tiến tới phổ cập giáo dục trung học.

2. Yêu cầu
- Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế, đánh giá đúng trình độ người học, phản ánh đúng chất lượng dạy và học. Toàn bộ học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh - HS) tham dự kỳ thi phải được học tập Quy chế thi. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi phải được học tập Quy chế thi và được bồi dưỡng về nghiệp vụ làm thi.

- Chấp hành nghiêm lịch làm việc của kỳ thi, các qui định về hồ sơ thi, chế độ trực thi và chế độ báo cáo. Mỗi đơn vị phân công một người theo dõi thông tin, báo cáo.

- Toàn bộ hoạt động của kỳ thi từ khâu chuẩn bị cho kỳ thi như học tập Quy chế, kiểm tra cơ sở vật chất (CSVC), kiểm tra hồ sơ thi đến khâu tiến hành coi, chấm thi phải được xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, ghi chép đầy đủ biên bản làm việc.

B. TỔ CHỨC KỲ THI
I. Công tác chuẩn bị.

1. Hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, học tập và tổ chức ôn luyện cho học sinh.

- Tất cả các trường Trung học phổ thông (THPT), Dân tộc nội trú (DTNT),Bổ túc văn hóa (BTVH), Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), trường Hiệp quản (sau đây gọi chung là trường phổ thông) đều phải hoàn thành nhiệm vụ dạy học theo đúng kế hoạch và biên chế năm học do Bộ GD&ĐT qui định. Tổ chức tốt việc ôn tập cho HS lớp 12 theo các văn bản của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn. Chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi.

- Hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo tính chính xác trong việc đánh giá, xếp loại HS. Ghi đầy đủ, chính xác, trung thực các kết quả vào sổ gọi tên và ghi điểm, học bạ.

2. Học tập quy chế và nghiệp vụ làm thi.

- Tổ chức học tập quy chế thi cho HS dự thi, cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên phục vụ, bảo vệ. Bồi dưỡng nghiệp vụ làm thi cho cán bộ, GV. Cán bộ được giao nhiệm vụ báo cáo viên phải nghiên cứu kỹ các tài liệu như: Quy chế 10, công văn 1656 (phụ lục 2: Đăng ký dự thi và tổ chức hội đồng coi thi; phụ lục 4: Coi thi, phụ lục 5: Chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo và công nhận tốt nghiệp). Nhấn mạnh các điểm mới trong Quy chế 10 được sửa đổi tại Thông tư số 09/2014/TT-BDGĐT ngày 25/3/2014.

- Tổ chức tốt việc giáo dục đạo đức tư tưởng cho HS, động viên tinh thần tự tin, trung thực và thái độ ứng xử theo phong cách HS thủ đô văn minh, thanh lịch.

3. Tổ chức cụm trường:

- Để phục vụ công tác tổ chức kỳ thi, Sở thành lập các cụm trường, phân công một trường trong cụm làm “cụm trưởng”. Trường cụm trưởng có trách nhiệm về một số công việc chung của cụm như phối hợp với các Phòng GD&ĐT, các trường trong cụm để chọn địa điểm đặt các Hội đồng coi thi (HĐCT); phân công, kiểm tra đôn đốc các trường trong cụm chịu trách nhiệm về CSVC của HĐCT; phân công và lên lịch kiểm tra chéo hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi trong cụm.

- Tổ chức các HĐCT theo từng trường với quy mô không dưới 15 phòng thi; có thể ghép các trường chung một HĐCT; riêng trung tâm giáo dục thường xuyên phải ghép cùng HĐCT với trường trung học phổ thông. Không xếp thí sinh của các trường khác nhau trong cùng một phòng thi, trừ phòng thi cuối cùng. Mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, trừ phòng thi cuối cùng có thể tối đa là 28.

Ví dụ: trường A có 25 phòng thi, có 21 phòng học; trường B có 11 phòng thi, có 11 phòng học. Trong khu vực của trường A và trường B có một trường Trung học cơ sở (THCS) có 18 phòng học. Như vậy, có thể tổ chức một HĐCT tại trường A với 20 phòng thi và một HĐCT tại trường THCS với 16 phòng thi (5 phòng thi học sinh trường A và 11 phòng thi học sinh trường B).

- Sở gửi danh sách các trường trong cụm qua hòm thư điện tử của các trường và trên Website của Sở, các trường trong cụm chủ động liên hệ với trường cụm trưởng để lên kế hoạch thực hiện.

4. Chuẩn bị cơ sở vật chất:

- Các trường cần tổ chức kiểm tra kỹ hiện trạng CSVC để phục vụ cho kỳ thi, sửa chữa, bổ sung kịp thời nếu thấy chưa đảm bảo như: cổng, tường rào trường thi, phòng thi, phòng làm việc, bàn, ghế, bảng, tủ, hệ thống điện, máy vi tính có kết nối internet, máy in, giấy thi, văn phòng phẩm, các thiết bị phục vụ cho công tác thi.

- Phòng GD&ĐT chủ động giới thiệu các trường THCS đủ điều kiện đặt HĐCT cho trường cụm trưởng; phối hợp cùng chịu trách nhiệm chuẩn bị CSVC, phương tiện và các điều kiện làm việc cho các HĐCT đặt tại các trường THCS.

- Thống nhất sử dụng trong toàn thành phố mẫu giấy thi, giấy nháp, phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN).

5. Môn thi, hình thức thi và lịch thi.

a) Môn thi, hình thức thi.

- Giáo dục Trung học phổ thông: Thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ; với môn Ngoại ngữ thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc (theo chương trình 7 năm) và Tiếng Đức, Tiếng Nhật (theo chương trình Đề án thí điểm).

- Giáo dục Thường xuyên:Thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.

- Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn; đề thi các môn Ngoại ngữ có 2 phần: viết và trắc nghiệm.

6. Tổ chức thông tin về kỳ thi, đăng ký dự thi và hồ sơ thi:

Các trường thông báo kịp thời và đầy đủ về kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tất cả HS đang học, thí sinh tự do để mọi HS có nguyện vọng và đủ điều kiện đều được dựthi theo Qui chế thi tốt nghiệp THPT. Tổ chức cho các đối tượng thí sinh đăng ký dự thi theo quy định, thực hiện đúng các nội dung sau:

a) Người học đã học hết chương trình THPT trong năm học 2013-2014 đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12, không được đăng ký dự thi ở cơ sở giáo dục khác; HS lớp 12 năm học 2013-2014 học chương trình THPT không được đăng ký dự thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX).

b) Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã nơi cư trú (theo xác nhận về cư trú của UBND cấp xã) hoặc tại trường phổ thông nơi học lớp 12. Trong đó, cần lưu ý:

- Thí sinh tự do đang đi công tác xa được đăng ký dự thi trên địa bàn nơi công tác, nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú và nơi học lớp 12.

- Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi, sao cho khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định.

- Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi do nghỉ quá 45 buổi học trong năm học lớp 12 nếu vẫn đủ điều kiện về học lực thì không cần có xác nhận kiểm tra học lực.

- Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm trong năm học lớp 12, nếu có xác nhận của chính quyền cấp xã về phẩm chất đạo đức và việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh, trật tự của địa phương nơi cư trú thì được xếp loại hạnh kiểm trung bình.

- Thí sinh tự do các năm trước thi chương trình THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp chương trình GDTX nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp GDTX (hoặc bổ túc THPT trước đây).

- Xác định điểm bảo lưu của thí sinh đăng ký dự thi GDTX như sau: Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm 2013 nhưng chưa tốt nghiệp, không bị kỷ luật huỷ kết quả thi và đạt từ 5,0 điểm trở lên thì được bảo lưu điểm của các môn thi Ngữ văn, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí (điểm đã được bảo lưu trong kỳ thi năm 2013 không được bảo lưu tiếp trong kỳ thi năm 2014). Nhà trường nơi thí sinh đăng ký dự thi năm 2013 căn cứ kết quả thi để xác nhận điểm bảo lưu cho thí sinh. Trường hợp thí sinh đăng ký dự thi có điểm bảo lưu của cả 4 môn đăng ký thì không phải dự thi; nếu thí sinh đã đăng ký bảo lưu điểm thi thì không được dự thi các môn này.

- Đối với các thí sinh đã hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT từ năm 2006 trở về trước, chỉ dùng điểm thi của 4 môn thi để tính điểm xét tốt nghiệp THPT;

- Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2014 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ thi của các kỳ thi trước.

Lưu ý:

+ UBND cấp xã xác nhận về cư trú, xác nhận không trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự của thí sinh. Trường phổ thông nơi HS dự thi năm trước xác nhận không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi.

+ Hồ sơ đăng ký dự thi không yêu cầu giấy chứng minh nhân dân.

+ Bản chứng thực (bản công chứng) của các hồ sơ liên quan là bản photocopy được UBND cấp xã xác nhận.

+ Cơ quan chuyên môn cấp huyện xác nhận các điều kiện được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên khác theo quy định tại Điều 31 và khoản 2 Điều 35 của Quy chế. Các giấy chứng nhận để được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên, cộng điểm khuyến khích nộp sau ngày thi sẽ không có giá trị. Vì vậy các trường cần thông báo cho tất cả HS dự thi được biết để hoàn thành hồ sơ đúng hạn.

+ Nếu thí sinh có nhiều giấy chứng nhận nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Quy chế thì chỉ được cộng điểm ưu đãi đối với 1 giấy chứng nhận có kết quả xếp loại cao nhất; Chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học (bao gồm cả chứng chỉ kỹ thuật viên tin học) quy định tại khoản 3 Điều 34 của Quy chế là chứng chỉ được cấp theo quy định của Bộ GDĐT;

c) Tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ. Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện dự thi, độ chính xác việc nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm máy vi tính (môn đăng ký dự thi, điểm trung bình cả năm lớp 12, lỗi chính tả, ngày sinh, giới tính, diện ưu tiên, điểm khuyến khích, xếp loại học lực, xếp loại hạnh kiểm.v.v...).
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top