Giáo viên chuyên Sử 3 miền nói gì về SGK Lịch sử?

lion

Moderator
Staff member
Cô Phạm Thị Hằng - Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định): Giảm kiến thức hàn lâm
Thứ nhất, tiêu đề các bài, các tiểu mục trong bài của SGK phải thật gọn, không áp đặt quan điểm chính trị trong tiêu đề của bài học và các tiểu mục trong bài.
Thứ hai, nội dung chương trình không nhất thiết phải trải đều các thời kỳ, các giai đoạn như SGK hiện hành mà nên lựa chọn những nội dung và kiến thức thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh là THCS hay THPT. Nên giảm tải những nội dung, kiến thức mang tính hàn lâm, tuyên truyền, tăng thêm những nội dung qua những câu chuyện lịch sử; giảm tải bớt nội dung về lịch sử Đảng, tăng thêm các nội dung lịch sử dân tộc thể hiện năng lực sáng tạo của nhân dân, các anh hùng giải phóng dân tộc.
Thứ ba, SGK mới nên dành thêm thời lượng và coi trọng giáo dục lịch sử địa phương bên cạnh lịch sử dân tộc.
Cô Nguyễn Thị Minh Hải - Giáo viên Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc: Tăng tiết học Lịch sử
Thứ nhất, vấn đề chỉnh sửa và thay đổi SGK môn Lịch Sử là cần thiết trên cơ sở kế thừa những ưu điểm SGK hiện hành cho phù hợp với quan điểm đổi mới toàn diện và triệt để của Luật Giáo dục. SGK Lịch Sử ở lớp 10 là 1,5 tiết/tuần, lớp11 là 1 tiết/tuần, lớp 12 là 1,5 tiết/tuần. Cần tăng thêm từ 0,5 tiết đến 1 tiết/tuần mới có đủ thời lượng để chuyển tải lượng kiến thức cần thiết.
Thứ hai, trong SGK hiện hành phần tranh ảnh và tư liệu đọc thêm còn nghèo nàn, hình thức trang trí chỉ có 2 màu đen và trắng ( so với SGK môn Địa Lý có 8 màu ) nên học sinh không thể phân biệt được những hình ảnh tư liệu chụp trong khoảng thời gian nào, khó phân biệt giữa xưa và nay vì tất cả hình ảnh trong SGK môn Lịch Sử đều chỉ có 2 màu đen và trắng.

Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): Cần có Atlat môn Lịch sử
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học và các giáo viên cốt cán môn Lịch sử ở các trường THPT thiết kế và biên soạn bộ tài liệu Atlat môn Lịch sử. Tôi thiết nghĩ, đây là một tài liệu quan trọng phục vụ cho giáo viên hướng dẫn học sinh làm các bài tập thực hành thông qua các số liệu cụ thể, bản đố, sơ đồ, biểu bảng… để vừa giảm tải lưu lượng SGK, vừa rèn luyện phương pháp tư duy kiến thức lịch sử, kỹ năng thực hành, xử lý, phân tích số liệu qua cuốn Atlat này.


Thầy Trần Trung Hiếu tay cầm quyển SGK Lịch sử phổ thông nói về những bất cập trong nội dung tại Hội thảo về SGK Lịch sử gần đây. Ảnh Xuân Trung​
Thứ hai, cần điều chỉnh hệ thống câu hỏi và bài tập cuối bài trong SGK trên cơ sở lấy mục tiêu tư duy của học sinh ở mức độ từ nhận biết đến thông hiểu và vận dụng, phát huy tính sáng tạo của học sinh.
Thứ ba, vấn đề biên soạn và thẩm định SGK, trong Hội đồng biên soạn và Hội đồng thẩm định SGK, ngoài những chuyên gia sư phạm, những nhà khoa học lịch sử, Bộ GD&ĐT phải bổ sung thêm các giáo viên phổ thông có kinh nghiệm và tâm huyết trong và ngoài nước. Bởi giáo viên phổ thông là đối tượng trực tiếp nghiên cứu và giảng dạy SGK, là những người “thi công” SGK, họ sẽ trực tiếp phát hiện ra những ưu điểm và những bất cập trong quá trình giảng dạy để bổ sung, sửa đổi SGK .
Thầy Nguyễn Vũ - Giáo viên Trường THPT Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế): Tiêu đề, đề mục cần ngắn gọn
Thứ nhất, thống nhất cách phân kỳ lịch sử chương trình của các nước trên thế giới.
Thứ hai, cần khách quan trong trình bày các sự kiện lịch sử như đúng nó đã diễn ra, tôn trọng sự thật của lịch sử.
Thứ ba, tiêu đề, đề mục trong SGK cần ngắn gọn, hạn chế sự định hướng làm mất đi tính tích cực học tập của học sinh.
Thứ tư, tăng cường phần kể chuyện lịch sử, xoá những câu chuyện tự dựng lên trong SGK, hoặc không có thật.


Nhiều giáo viên cho rằng, SGK Lịch sử hiện nay phần tranh ảnh quá ít, so với SGK Địa lí thì không bằng. Ảnh minh họa​
Thứ năm, khi đánh giá các thời đại, các vương triều trong lịch sử phải khách quan, tránh thiên kiến, chê bai hay đề cao quá đáng. Cần phải nêu rõ kể thù cụ thể của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tránh nói theo kiểu chung chung vơí những cụm từ như “phong kiến phương Bắc”, “thời Bắc thuộc”… mà phải là các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Cô Nguyễn Thị Thuỷ - Giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi): Bớt số liệu
Thứ nhất, khi biên soạn SGK mới, kiến thức SGK ở bậc học THCS và THPT phải thống nhất về mặt sự kiện và thời gian tương xứng với sự kiện đó.
Thứ hai, cần tăng phần bối cảnh lịch sử, bớt phần diễn biến, số liệu.
Sách giáo khoa cần linh hoạt, mềm dẻo
Sách giáo khoa là một sự cụ thể hóa của chương trình, để cuốn sách giáo khoa lịch sử thể hiện đúng vị trí, ý nghĩa của nó theo GS. TS Nguyễn Thị Côi (Đại học Sư phạm Hà Nội) cần các yếu tố:
Thứ nhất, nội dung SGK luôn luôn tuân thủ nội dung, yêu cầu cơ bản của chương trình, song không phải là sự minh họa khô khan, cứng nhắc, mà cần linh hoạt, mềm dẻo.
Thứ hai, nội dung kiến thức đưa vào SGK phải thể hiện tính toàn diện, trong đó việc giải quyết tốt mối tương quan giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội về các mặt chính trị, đấu tranh giải phóng dân tộc, kinh tế, văn hóa giáo dục là điều cần thiết.
Thứ ba, nội dung trong sách phải thể hiện tính hiện đại thông qua quan điểm thông tin, quan điểm học thuật, đặc biệt là việc tiếp thu các thành tựu mới của sử học.
Thứ tư, nội dung sách phải đảm bảo tính sư phạm. Đó là những kiến thức lịch sử đưa vào sách cả kênh chữ và kênh hình phù hợp với đối tượng học sinh. Việc trình bày kiến thức phải cụ thể, sinh động, diễn đạt phải trong sáng, dễ hiểu và có tác dụng phát huy tính tích cực của học sinh.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top