Chu Văn An và truyền thuyết nhờ học trò cầu mưa giúp dân

lion

Moderator
Staff member
Câu chuyện Chu Văn An nhờ học trò cầu mưa chống hạn giúp dân chỉ là truyền thuyết nhưng phần nào cho thấy tinh thần thương dân, yêu nước của người được tôn là "thầy của muôn đời".

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An tên thật là Chu An (1292-1370), hiệu Tiều Ẩn, tên chữ Linh Triệt, quê ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội).

Ông từng đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) nhưng từ chối ra làm quan, chỉ mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Vua Trần Minh Tông mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông tương lai.

Sinh thời, thầy Chu Văn An luôn quan niệm “muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”. Những học trò cũ của ông, dù đã làm đại quan nức tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, lúc về thăm thầy vẫn khép nép giữ gìn. Họ có điều gì chưa đúng phép, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo.

Có cả truyền thuyết về chuyện quỷ thần cũng biết đến tiếng tăm thầy Chu Văn An tìm đến xin học. Tương truyền, khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này, có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu.


Với những đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà, Chu Văn An được tôn là “vạn thế sư biểu – thầy của muôn đời”. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ , Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết là thần nước.

Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong, ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói: "Con vâng lời thầy là trái lệnh thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân, mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho".

Sau đó, người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, học trò tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn.

Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có xác thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ (nay vẫn còn dấu vết mộ thần).

Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai - quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm.

Câu chuyện mang tính chất huyền bí được truyền qua nhiều đời đã cho thấy nhân dân tôn vinh đức, tài của thầy Chu Văn An, khiến ngay cả quỷ thần cũng phải theo học. Không chỉ là người thầy giáo chuẩn mực, Chu Văn An còn nối tiếng với tính cương trực, yêu nước.

Đến đời vua Trần Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo nên dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe, chỉ xem qua và im lặng.

Thất vọng, Chu Văn An treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh, lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học và viết sách. Sau khi khi lên ngôi, Vua Trần Dụ Tông có chỉ triệu Chu Văn An hồi triều nhưng ông từ chối.

Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi, Chu Văn An ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, trở về núi cũ. Đông đảo học trò theo tiễn có hỏi: Từ nhà vua đến đông đảo các sĩ phu và quan chức đều là học trò của thầy, sao thầy không ở lại để đảm đương một trọng trách? Thầy coi thường những chức tước của triều đình lắm sao?

Chu Văn An nói “cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì”.

Ngoài sự nghiệp dạy học, một số tài liệu cho biết Chu Văn An còn là nhà nghiên cứu Đông y. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ông chính là người đã biên soạn cuốn Y học yếu giải tập chú di biên.

Với những đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà, ông được tôn là “vạn thế sư biểu – thầy của muôn đời”. Người dân vùng quê Thanh Đàm suy tôn ông làm Thành hoàng với tên gọi đức Thánh Chu.

Ông trở thành biểu tượng của nền giáo dục nước nhà.

zing.vn
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top