Thành tích của học sinh Chu Văn An

Grenouille_vert

Moderator
Cái này GV xin tạm post ở đây để làm tư liệu (vì nó chẳng phù hợp với box nào cả), nếu sau này cva.org làm hoành tráng hơn thì hy vọng mấy cái này dùng được. Cũng rất mong mọi người đóng góp tư liệu, đặc biệt là các chú, các cô cùng khóa với các cô chú được nêu tên dưới đây.
Xin mọi người gửi thông tin vào hòm thư: [email protected]

1. IMO lần thứ 17, năm 1975, tại Buốc-gát, Bungari.

- Đoàn Việt Nam: Trưởng đoàn là ông Lê Hải Châu, cán bộ Vụ Trung học Phổ thông; Phó trưởng đoàn là TS Phan Đức Chính, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
- Nguyễn Khánh Trọng, lớp 10 Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội được 30 điểm, đạt huy chương Đồng.

2. IMO lần thứ 20, năm 1978, tại Bu-ca-rét, Rumani.

- Đoàn Việt Nam: Trưởng đoàn là ông Lê Hải Châu, cán bộ Vụ Trung học Phổ thông (nay là Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo); Phó trưởng đoàn là TS Nguyễn Đăng Phất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Nguyễn Hồng Thái, Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội được 23 điểm, đạt huy chương Đồng.
- Nguyễn Trung Hà, Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội được 22 điểm, đạt huy chương Đồng.
- Học sinh được giải it tuổi nhất: Nguyễn Hồng Thái (15 tuổi).


3. IMO lần thứ 21, năm 1979, tại Luân-đôn, Vương quốc Anh.

- Đoàn Việt Nam: Trưởng đoàn là ông Lê Hải Châu, cán bộ Vụ Trung học Phổ thông; Phó trưởng đoàn là TS Đào Văn Phong, Trường Đại học Sư phạm Vinh.
- Phạm Hữu Tiệp, lớp 10 Chuyên Toán - Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đạt huy chương Bạc.

4. IMO lần thứ 25, năm 1984, tại Praha - Tiệp Khắc.

- Đoàn Việt Nam: Trưởng đoàn là bà Hoàng Xuân Sính, Giáo sư, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Phó trưởng đoàn là ông Phan Văn Viện.
- Nguyễn Thị Minh Hà, Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội đạt huy chương Đồng.

5. IMO lần thứ 26, năm 1985, tại Phần Lan.

- Đoàn Việt Nam: Trưởng đoàn là bà Hoàng Xuân Sính, Giáo sư, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Phó trưởng đoàn là GS Đoàn Quỳnh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Huỳnh Minh Vũ, Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội được 28 điểm, đạt huy chương Bạc.

(Năm này là khóa chuyên Toán Hà Nội cuối cùng của CVA, vì cuối năm này, toàn bộ giáo viên và học sinh ưu tú của CVA đã được rút để xây dựng trường chuyên của Hà Nội - trường Hà Nội - Amsterdam)

(Nguồn: www.hus.edu.vn/chuyentt/thanhtich_khoi.htm)
 

Grenouille_vert

Moderator
Bài phỏng vấn Nguyễn Trung Hà (HCĐ IMO 20) của báo Vietnamnet.
(Nguồn: http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/02/543335/)

Người giỏi làm Toán: Rất lãng phí! 06:31' 21/02/2006 (GMT+7)
Nhúng tay vào hàng chục lĩnh vực: điện ảnh, bất động sản, ngân hàng, quảng cáo, PR, báo chí, tin học, thiết bị văn phòng...Sở hữu và đồng sở hữu vài chục công ty, trong đó đã và đang gây ấn tượng với những cái tên nổi tiếng như FPT, Zodiac (Hoàng đạo), ACB, TOGI, Vĩnh Trinh Company, Thiên Ngân Galaxy... Từ một sinh viên Toán cách đây 20 năm, Nguyễn Trung Hà đã từ bỏ lối đi được dọn sẵn để hiện tại trở thành một nhà đầu tư "có máu mặt" của Việt Nam.


Nguyễn Trung Hà: "Cuộc đời có những điều khiến ta thay đổi suy nghĩ. Một cách sâu sắc, về chất". (Ảnh: Trung Kiên)

Trong quá trình đi tìm nhân vật cho loạt bài này, với mục đích tiếp cận những cựu HSG quốc tế thành danh trong lĩnh vực kinh doanh, tôi nhận được không dưới 10 lời giới thiệu của nhiều doanh nhân thành đạt về Nguyễn Trung Hà.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện cuối tháng 11/2005. Thẳng thắn và thực tế, đôi chút cực đoan (?), nhiều ý kiến của anh có thể sẽ gây ra tranh cãi hay dư luận trái chiều.

Toán học không có nhiều ý nghĩa với xã hội
Trước khi là một nhà đầu tư, anh từng là một học sinh giỏi Toán?

Năm 1978, đạt giải ba HSG Toán quốc tế ở Rumani, cùng 40 người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại học, tôi được gửi lên trường quân sự trên Vĩnh Phúc để ôn luyện tiếng, chuẩn bị cho việc sang Nga.

Năm sau, tôi sang MGU (ĐH Tổng hợp Moskva) học khoa Toán Cơ, ngành Toán lý thuyết, lại chọn Lý thuyết số, môn cổ điển và kém ứng dụng nhất trong các nhánh của Toán học. Nhưng chưa hết đại học thì tôi chán. Tôi tự nhận thấy học Toán xong, rồi cũng không để làm gì.

Vì sao?

Tôi cho rằng, những gì dân Toán làm là: Tự đặt vấn đề, Tự giải quyết vấn đề rồi lại Tự hoan hô. Nói chung là một chuỗi công đoạn “tự sướng” và ít có ích cho người khác. Nói cách khác, giá trị của việc học Toán và làm Toán không cao.

Toán học vẫn được coi là nền tảng của nhiều môn khoa học khác. Những điều anh nói dường như phủ nhận một quan niệm được rất nhiều người thừa nhận?

Kiến thức Toán khá cần thiết trong nhiều lĩnh vực, trong cuộc sống. Nhưng, những thứ thực sự cần thiết cũng chỉ ở tầm vừa vừa thôi, nói nôm na là 1+1=2, chứ không phải những cái hoành tráng, trừu tượng, cao siêu. Mà, Toán học bây giờ đi xa lắm rồi, ở tận chân trời nào rồi.

Đa phần những vấn đề mà các nhà Toán học nghiên cứu, là do họ tự đặt ra, tự thấy rằng nó rất có ích, rồi tự đi tìm lời giải và cũng chỉ có họ, hoặc những người theo đuổi Toán ở tầm của họ mới hiểu được.

Vì không có ai hiểu được ngoài mấy ông Toán biết với nhau, nên cũng là các ông tự hoan hô nhau. Ông này khen ông khác giỏi, khen những vấn đề xyz nào đó là giải quyết được mấu chốt, là có ý nghĩa, ảnh hưởng rất lớn... và dân chúng, xã hội, thực ra là chẳng hiểu tẹo nào về vấn đề đó... tung hô theo.

Anh có nghĩ rằng những điều này sẽ động chạm?

Tất nhiên, bất cứ chuyện gì nhạy cảm cũng có thể động chạm. Nhưng, tôi nói với tư cách không phải người ngoại đạo. Tôi cũng từng học Toán. Rất, rất nhiều bạn bè tôi cũng là dân Toán... Trong giới Toán nói chuyện với nhau cũng rất hiểu điều đó. Chúng tôi còn dùng nhiều từ "trần trụi" hơn nhiều: chẳng hạn thủ dâm tư tưởng (cười to). Vô nghĩa! Ông này Tiến sỹ, anh kia Tiến sỹ... toàn giải quyết vấn đề vô nghĩa.

Anh từng học Toán, tức là cũng đã từng thấy rằng nó có ích. Mất bao lâu để anh đi đến kết luận ngược như bây giờ?

Tất nhiên, ngày xưa, tôi không nghĩ ngay được cái điều mà tôi thấy bây giờ. Thời đầu, cũng như rất nhiều SV Toán khác, tôi rất thích làm Toán. Mỗi lần tự giải quyết được một bài toán, một vấn đề nào đó thì thấy rất sướng. Và, nếu có ai đó xung quanh hoan hô thì càng vui, hay tự mình hoan hô cũng thấy hay, cũng đủ để thoả mãn (cười).

Nhưng, cuộc đời có những thời điểm, những cột mốc có thể làm người ta thay đổi cách suy nghĩ. Thay đổi một cách sâu sắc, về chất.

Năm 1982, tôi bị lao phổi và phải vào nằm trong Viện lao Moskva mất 1 năm. Thời gian này, rảnh rỗi nên tôi có nhiều thì giờ suy ngẫm về cuộc đời. Sau khi ra Viện, tôi trở thành người khác hẳn, trong cách nhìn cuộc sống. Tự dưng, tôi nhận thấy một cách rất rõ ràng sự vô nghĩa của những cái mình đang theo đuổi, cụ thể là việc học Toán, hay việc mình muốn đạt cái nọ, cái kia.

Người giỏi làm Toán là sự lãng phí

Nhưng, có một thực tế là dân Toán đa phần là những người giỏi và họ dễ thành công, kể cả khi chuyển sang các ngành khác. Tức là Toán học có ích, ít nhất về mặt đào tạo?

Có một số khái niệm bị đóng khung trong suy nghĩ. Nói thịt nghĩ ngay là thịt lợn, chứ không phải thịt gà, thịt cừu, thịt bò... Nói giỏi hầu như chúng ta cũng hiểu là giỏi Toán, nếu giỏi Văn, giỏi Lý, Hoá, Nhạc, Hoạ... sẽ cần phải chua thêm mấy cái danh từ phụ.

Cá nhân tôi nghĩ có sự nhầm lẫn ở đây. Nhiều người nghĩ những người học giỏi Toán khi nhảy sang các ngành khác làm cái gì cũng dễ giỏi, dễ thành công, tôi lại cho rằng, những người giỏi Toán, bản thân họ là những người giỏi, tức là họ có nhiều tố chất về trí tuệ để dễ thành công... Mà người giỏi thì học gì, làm gì cũng dễ giỏi kể cả học Toán.

Chẳng qua, người có trí tuệ tốt từ bé thường được hướng, hoặc tự chọn vào những môn mang tính khoa học, nhất là Toán. Thành ra, mật độ những người giỏi "dính dáng" đến Toán là tương đối cao, nên dẫn đến sự đánh đồng khái niệm: dân Toán là dân giỏi. Sự lãng phí ở đây là lẽ ra phải cho những người giỏi đó học ngành khác hữu ích hơn là Toán.

Nhưng rõ ràng, rất nhiều kiến thức của Toán đã và đang được áp dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau?

Chúng ta nhầm lẫn trong việc định nghĩa thế nào là ứng dụng, dẫn đến hiểu Toán có ứng dụng trong nhiều ngành. Không phải vậy. Toán hoàn toàn không có ứng dụng. Tôi nghĩ kiến thức Toán ở bậc ĐH là bắt đầu không cần thiết. Càng nghiên cứu lên cao, Toán càng ít tính ứng dụng hơn. Lúc đó, nó chỉ phục vụ cho những sự phát triển nội tại của bản thân nó thôi. Tôi cho rằng vô ích. Nếu muốn nước ta đi nhanh hơn thì có lẽ nên bỏ qua ngành học này.

Anh có mạnh miệng quá không?

Đó là sự thực. Để nói là vô ích hay không thì xác định xem ta đứng ở điểm nào đó để nhìn. Nhiều người cứ lý luận, hoặc có thể chính họ tin rằng, Toán hữu ích. Nhưng, nhìn ở góc độ phát triển kinh tế xã hội nước ta hiện tại, cống hiến của Toán thực sự không có gì.
 

Grenouille_vert

Moderator
(Tiếp)

Toán là một trò chơi

Vậy, anh nói thế nào, khi vẫn luôn có những hình thức tôn vinh đóng góp của các nhà Toán học? Và, cả những nỗ lực và sự đầu tư để Toán phát triển. Phải chăng xã hội nhầm lẫn hết?

Toán là một trò chơi. Tôi ví dụ, thi nhảy cao chẳng hạn, cũng là một trò chơi, một trò thể thao. Bản thân cái việc nhảy cao, chẳng có ý nghĩa gì cả, ngoài 1 điều duy nhất là có tác dụng về tinh thần. Nó có thể thoả mãn khát khao chinh phục một cái gì đấy, hay thúc đẩy cho nhiều người yêu thích và hứng thú luyện tập thể dục.

Toán học cũng vậy. Học tiếp lên, nghiên cứu tiếp lên, có thể ra được những cái khá hơn cái cũ, cũng như nhảy cao, cố gắng 2m10, rồi 2m12 sẽ đạt được mục tiêu là chinh phục kỷ lục nào đó. Ngoài ý nghĩa này thì toàn bộ công đoạn nỗ lực đó là vô nghĩa.

Vô nghĩa? Giải thưởng Clay của Ngô Bảo Châu được nhiều người coi là niềm tự hào là một ví dụ phản bác lại nhận định của anh?

Đúng, nó là sự tự hào. Về khía cạnh này thì rất có ý nghĩa.

Những nhà Toán học thành công, cũng như những VĐV thể thao thành công sẽ nuôi dưỡng được niềm tự hào cho những người liên quan, trong gia đình, thậm chí trong cộng đồng của họ. Nhưng, điều ấy có ý nghĩa gì khác, cũng như kỷ lục thế giới có ý nghĩa gì, ngoài cái danh kỷ lục?

Đừng vẽ son, tô hồng quá cho dân Toán. Phát triển xã hội thì đừng đưa những đầu óc tinh tuý nhất vào ngành Toán, để họ trăn trở với những việc tự đặt vấn đề rồi tự giải quyết vấn đề. Lãng phí. Những đầu óc ấy có thể làm được việc khác, hữu ích hơn nhiều lần.

Anh lấy những tiêu chí nào để đánh giá một cái gì đó là hữu ích?

Đơn giản thôi, một cái gì đó hữu ích là khi người ta dùng nhiều. Thực ra, chính xác hơn, dùng nhiều mới là có khả năng hữu ích chứ chưa dám chắc là hữu ích thật sự. Chứ nhiều kiến thức Toán cao siêu, trừ một bộ phận rất nhỏ của xã hội hiểu được, còn đa phần chẳng ai hiểu gì, thế thì nói gì đến dùng hay ứng dụng.

Những nhà Toán học hi sinh vì xã hội để đi lừa đảo đám đông. Họ có đóng góp rất ít ngoài việc việc làm gương để khích lệ thêm nhiều trí tuệ tinh hoa khác đi theo vào con đường đó, mà chính ra, ngay cả điều này không nên nhìn nhận là đóng góp.

Cố gắng không lấy bằng nếu không bắt buộc

Quay lại trường hợp của anh, sau khi ra viện và thay đổi nhận thức về cuộc sống, anh hiện thực hoá suy nghĩ của mình như thế nào?

Sau đó, thực sự tôi chỉ học tiếp sao cho cốt hoàn thành nốt bậc học vì không còn cảm thấy hứng thú nữa. Tôi dành thời gian để học những thứ khác, tự học và học qua các thầy. Định kiếm thêm cái bằng Tâm lý nhưng thậm chí, tôi thấy ngay cả việc này cũng vô nghĩa nốt.

Về sau này, tôi vẫn theo học nhiều thứ khác, nhưng cố gắng không lấy bằng làm gì nếu không bắt buộc.

Năm 1985, tốt nghiệp MGU, tôi xác định ngay tinh thần không học tiếp làm gì, và về nước. May mắn, tôi có việc ngay tại Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học Viện Nam.

Thời đó, cơ chế chưa thoáng và xin việc không dễ, chắc anh có thuận lợi về mặt quan hệ?

Không biết vì lý do gì đấy, tôi được nhận ngay (cười). Có thể nói con đường sự nghiệp của tôi rất thuận lợi.

Anh bắt đầu nghiêng sang việc kinh doanh như thế nào?

Hồi đó, Viện Cơ thuộc dạng khá nhất về mặt năng động ứng dụng, làm kiểu chân trong chân ngoài...

Các bác lãnh đạo Viện lúc đó như bác Đạo (Nguyễn Văn Đạo), bác Điệp (Nguyễn Văn Điệp) đều yêu quý và tạo điều kiện cho nhân viên làm thêm bên ngoài. Chúng tôi lập nhóm ứng dụng cơ học vào điện lạnh, sấy… Hợp đồng ký dưới danh nghĩa của Viện, và Viện được phần trăm. Sau này, khi thấy việc tách ra riêng, có con dấu riêng sẽ thuận lợi hơn về mặt kinh doanh và cũng có lợi hơn, chúng tôi lập công ty.

Năm 1989, tôi lập công ty Zodiac (tên tiếng Việt là Hoàng đạo), trực thuộc Hội Tin học, kinh doanh máy móc, thiết bị tin học. Sau khi có Luật Doanh nghiệp (năm 1991), chuyển thành công ty TNHH. Dần dần, do nhu cầu phát triển mà những mảng kinh doanh sau này như ngân hàng, bất động sản, tin học… là sự tiến lên và mở rộng theo sự phát triển tất yếu.

Tức là, anh đến với kinh doanh do sự đưa đẩy của thời cuộc? Thời đó, với các nhà khoa học như các anh, tính riêng lương có đủ sống không?

Đủ, bằng chứng là tôi vẫn sống đây (cười). Không thể nói do đồng lương không đủ sống mà người ta chuyển sang kinh doanh được. Kinh doanh là việc tự thân.

Có thể, có những sai lầm lại dẫn đến thành công. Mình tưởng rằng mình giỏi và có thể làm được điều gì đó, nên cứ thế làm, và làm được, đâm ra lại càng nghĩ rằng mình giỏi thật. Sau này, khi có nhiều kinh nghiệm hơn rồi, nhìn lại mình biết trong những cái làm ấy có nhiều sai sót.

Tôi ra kinh doanh bắt đầu từ việc nghĩ rằng, mình làm kinh doanh giỏi. Thực sự, bây giờ tôi không ưa kinh doanh, mà lại thích làm Toán hơn.

Có mâu thuẫn với điều anh khẳng định: Toán là lãng phí và vô nghĩa?

Không mâu thuẫn. Làm Toán như một trò chơi thì vẫn thấy nó hay, nó đẹp. Làm Toán như một sự thủ dâm tinh thần thì vẫn tự thấy sướng, thấy hứng thú (cười). Mặc dù đúng là những trò chơi, hay sự "tự sướng" chẳng có ý nghĩa gì đối với xã hội. Còn kinh doanh không thấy vui, vì nó càng ngày càng bẩn.

Cụ thể hơn là cái gì bẩn: môi trường?

Tôi quen với môi trường logic hơn. Môi trường kinh doanh bây giờ có nhiều sự phi logic, đôi khi kết quả đạt được không phụ thuộc bản thân ý tưởng kinh doanh mà còn nhiều điều kiện phụ khác.

Muốn đầu tư vào những lĩnh vực liên quan đến công chúng

Cùng một lúc sở hữu nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực, anh làm thế nào để vận hành và quản lý tốt?

Nói chung, ở tất cả mọi công ty, tôi đều không làm gì quá sâu sát. Thực ra thì người ta không thể biết được nhiều thứ, quan trọng là biết tổ chức. Quản lý kinh doanh đòi hỏi các kỹ năng, còn đầu tư đòi hỏi những ý tưởng.

Tôi ít biết (và vì thế không thích) quản lý kinh doanh nhưng tôi có nhiều ý tưởng và có thể nhận biết người chuyên môn giỏi và sâu hơn mình để làm các việc. Phần việc của tôi là đưa ra định hướng, chiến lược: chẳng hạn quyết định hướng đi, xác định mục đích, thời điểm làm, khả năng sinh lời, lên kế hoạch tài chính, huy động tiền vốn, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt...

Anh có mặt trong rất nhiều lĩnh vực sôi động trong nền kinh tế thị trường, trong đó anh ưu tiên cho lĩnh vực nào?

Tôi muốn đầu tư vào những lĩnh vực liên quan đến công chúng: điện ảnh, bất động sản, ngân hàng, quảng cáo, báo chí...Sự thành bại trong kinh doanh ở những lĩnh vực này ít bị ảnh hưởng bởi các cơ quan công quyền.

Hiện tại anh coi "mảng" đầu tư lớn nhất của mình là gi?

Hiện tại, tôi đang cho mình nghỉ hưu. Thời gian lúc này dành nhiều cho việc đọc sách.

Anh đọc những sách gì?

Đọc rất tạp (cười) sách lịch sử, tiểu thuyết, triết học phương Đông...

Một chút về cá nhân anh?

Tôi sinh năm 1962, dân chuyên Toán Chu Văn An, lấy vợ được 21 năm, có 2 con gái. Vợ tôi là Tiến sỹ Toán - Lý, dân chuyên Toán ĐH Tổng hợp. Tôi là người lười biếng, thích suy nghĩ hơn là hành động, thích nói phét hơn là làm.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này.

Hoàng Lê (thực hiện)
 

Grenouille_vert

Moderator

GS. Lê Tự Quốc Thắng (ĐH Buffalo) và GS. Phạm Hữu Tiệp (ĐH Florida)

Phạm Hữu Tiệp, sau khi được HCB IMO 21 đã trở thành du học sinh tại Đại học Tổng hợp Matxcơva (MGU) và trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường này. Lấy bằng Tiến sĩ khoa học ngành Toán tại MGU khi mới 27 tuổi, hiện ông là Giáo sư Toán tại Đại học Florida (Univ. of Florida) và được đánh giá là một trong những trí thức Việt Nam thành công ở nước ngoài.

Đây là trang web cá nhân của Phạm Hữu Tiệp:

http://www.math.ufl.edu/~tiep/index.html
 

Grenouille_vert

Moderator
Hiện công ty FPT đang được lãnh đạo bởi 2 cựu học sinh chuyên Toán Chu Văn An khóa 1970 - 1973 (hệ 10 năm).
Sau đây là bài viết của TS. Bùi Quang Ngọc, Phó Tổng Giám đốc FPT về người bạn của mình, PGS.TS. Trương Gia Bình, Tổng Giám đốc FPT:


TS. Bùi Quang Ngọc và PGS.TS. Trương Gia Bình

Người bạn cùng bàn

Chắc không nhiều người FPT biết được rằng TGĐ Trương Gia Bình của chúng ta là bạn học phổ thông cấp 3 với tôi. Hơn thế nữa trong suốt mấy năm học chuyên toán Chu Văn An tôi và Bình ngồi cùng bàn, chỉ có hai người ngồi vào cái bàn ở cuối lớp.

Bài viết này tôi xin về bạn ấy, một người bạn thời phổ thông không chỉ của tôi mà cũng là bạn học của anh em Bùi Bình Thuận (FSM) và Bùi Việt Hà (GĐ trung tâm Đào tạo FPT trước kia), cae bốn chúng tôi cùng một tổ nữa kia. Tất cả chúng tôi là cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An khóa 1970-1973. Câu chuyện bắt đầu từ khi chúng tôi cùng học với nhau khi còn bé.

Thuở học sinh

Chúng tôi học với nhau từ bé, năm lớp 2 (năm học 1964-1965) tại trường Phương Đông. Ngày ấy chúng tôi cùng phố Thợ Nhuộm. Nhà tôi số 91, nhà Gia Bình ở số 86, chính là trụ sở của Sở Y tế HN (bố Bình là bác sỹ Trương Gia Thọ, vốn là một bác sỹ nổi tiếng khi ấy). Tôi không còn nhớ dạo ấy chúng tôi học tập ra sao, ngoại trừ chuyện chơi cá cảnh. Chúng tôi thường cho cá vào lọ và mang đến nhà một bạn để cùng nhau ngắm. Trò được chúng tôi thích thú nhất là chọi cá. Một cặp cá chọi được đưa vào cùng một lọ và chúng đánh nhau cho đến khi ngã ngũ thì chúng tôi lại tách chúng ra. Nhiều khi dùng gương để cho con cá tự đánh với chính nó. Gia Bình cũng tham gia trò chơi cá.

Mới vào học kỳ 2 thì bọn Mỹ ném bom miền Bắc. Thế là chúng tôi chia tay nhau đi sơ tán về nông thôn. Mãi đến năm lớp 8 (cấp 3), chúng tôi mới gặp lại nhau, cùng được học ở lớp 8I trường cấp III Chu Văn An, lớp chuyên Toán HN. Chúng tôi học với nhau cả ba năm cấp 3. Không những thế, năm lớp 9 và năm lớp 10, chúng tôi cùng ngồi bàn cuối lớp, bàn chỉ có tôi và Gia Bình.

Trong lớp có nhiều kiểu học, nhiều trường phái khác nhau. Dân chuyên Toán thường ít chú ý đến môn Văn cũng như các môn xã hội. Gia Bình lại là cánh ham mê môn Văn. Mỗi bài luận Bình bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu hàng đống sách chuyên đề rồi mới bắt tay vào viết. Tôi và nhiều bạn thường sử dụng các tư liệu mà Bình đã mất công tìm kiếm, thậm chí bắt trước cả cách phân tích, bình luận của Bình. Các bài Văn của Bình thường được được tham khảo mẫu khi trả bài. Tôi và nhiều bạn thuộc trường phái khác, lúc nào cũng chỉ say mê với môn Toán. Chưa kể Bình hay nói về Triết học, trình bày các vấn đề dưới góc độ hoặc bằng ngôn ngữ Triết. Hồi đấy tôi chỉ thấy hay hay vì nó khác với những suy nghĩ tư duy thuần Toán, không biết đâu rằng đó chính là biểu hiện của những phẩm chất lãnh đạo mà sau này Bình mới thể hiện rõ.

Bình học toàn diện, thường xếp thứ hạng cao trong lớp. Một phần chữ Bình vào loại đẹp nhất lớp, hồi ấy điểm vở có hệ số 2. Chữ tôi lại xấu nhất lớp, có lần vở Lý được 4 điểm. Tôi chỉ hơn Bình mỗi điểm Toán nên chung cuộc điểm trung bình thường vẫn thấp hơn Bình. Thỉnh thoảng có tháng tôi cũng xếp trên Bình. Thường là tôi, Bùi Việt Hà (giám đốc Trung tâm đào tạo khi xưa của FPT) và Bình được xếp đầu lớp.

Năm lớp 10 chúng tôi học tại nơi sơ tán của huyện Thanh Oai, Hà Tây. Dạo ấy ăn cơm tập thể vàng khè vì ngô nhiều hơn gạo. Có bận sau bữa cơm, nhiều bạn không ăn vì đi đâu đó, nhà bếp còn thừa rất nhiều cơm. Bình nói có muốn xem biểu diễn ăn cơm không, rồi lôi chai xì dầu ra làm 8 bát cơm B52 (một loại bát sắt của bộ đội, to gần bằng hai bát sứ) mà không cần tý thức ăn nào khác, trong sự thán phục tròn xoe mắt của cả lớp vì sức ăn của Bình. Năm ấy Bình sắp 17 tuổi.

Đại học ở Liên Xô

Chúng tôi thi vào đại học kết quả tốt. Cùng với nhiều bạn trong lớp chúng tôi được tập trung lên trường ĐHKT Quân sự trên Vĩnh Phúc. Chúng tôi phải học tiếng Nga và Toán cật lực để sang Liên Xô học luôn vào năm thứ nhất. Hè 1974 hôm rời ga Hàng Cỏ đi tàu sang Trung Quốc tôi nhớ nhiều bạn trong lớp có đến tiễn chúng tôi. Trong số người ra tiễn còn có cả chị Trương Thanh Thanh, chị ấy vừa mới từ Liên Xô về, mắt đỏ hoe tiễn Bình lại sang Liên Xô học. Khi sang Liên Xô, chúng tôi mỗi đứa một nơi. Bình vào học khoa Cơ học trường Tổng hợp Matxcơva, Việt Hà học Toán cùng trường với Bình. Còn tôi học Toán ở Kisinhốp. Chúng tôi hay liên lạc với nhau qua thư từ. Các kỳ nghỉ đông, nghỉ hè tôi hay lên Matxcơva thăm Bình và các bạn cũ 10I. Ở chơi hàng tháng là chuyện thường. Tôi học trượt băng, chơi khúc côn cầu ở sân băng trường tổng hợp Lômônôxốp. Tôi còn nhớ Bình và các bạn hay vặt táo xanh trên đồi Lê Nin để về ăn hoặc nấu canh chua.

Năm 1979 chúng tôi về nước. Bình được chọn làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Tôi về dạy Toán ở ĐHBK HN. Rồi tôi được cử sang Pháp học nghiên cứu sinh. Cuối năm 1986 tôi về nước sau khi tốt nghiệp. Bình đã về từ năm ngoái và lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện cơ, bắt đầu làm kinh tế. Thế rồi một tối đầu mùa hè năm 1988, Bình đến nhà tôi chơi (khi đó tôi ở trong ngõ phố Khâm Thiên). Trên cái sân gác tầng 2 thoáng mát, Bình say sưa nói về máy tính cá nhân và thuyết phục tôi tham gia nhóm của Bình để chuyển máy tính sang Liên Xô. Ngoài sự thân quen rất nhiều năm, Bình nhìn nhận tôi như một chuyên gia Tin học khi đó. Tuần lễ Tin học lần thứ nhất, Bình đến dự với một sự quan sát tìm tòi khác thường. Tôi nhận lời với Bình mặc dù cũng chẳng hiểu mô tê mọi việc sẽ ra sao. Chính Bình đã biến tôi từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay. Đấy là câu chuyện 15 năm trước. Khi ấy chúng tôi mới 32 tuổi.

Ngày 13/09/1988 chúng tôi đón nhận quyết định thành lập FPT do anh Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ Quốc gia ký. Lúc ấy có 13 người sáng lập, con số trở thành một niềm mê tín của FPT (mà cũng bắt nguồn từ Gia Bình).

FPT, những chặng đường

Buổi ban đầu cái tên FPT gắn với công nghệ thực phẩm. VN là một nước nông nghiệp, Bình hy vọng vào các dự án viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này, nó cũng là xuất phát làm các đồ sấy khô của nhóm “Nhiệt và chất”. Nhưng doanh vụ lớn đầu tiên của FPT là đổi máy tính Olivetti lấy các loại hàng của Liên Xô vốn rất quen thuộc với VN thời bao cấp. Có thể nói giai đoạn 1988-1991 là giai đoạn đổi hàng Liên Xô. Giai đoạn này dân Tin học chúng tôi chỉ tham gia hỗ trợ và nhen nhóm những bước đi ban đầu.

Giai đoạn 1991-1994 là giai đoạn tham gia thanh toán với Liên Xô (Nga) cho các công trình thủy điện, đồng thời Tin học đã là một hướng kinh doanh độc lập. Từ 1995 kinh doanh Tin học trở thành chủ đạo, các trung tâm định hướng kinh doanh ra đời trong FPT. Sau 10 năm thành lập năm 1999 FPT chuyển sang toàn cầu hóa với việc tham gia xuất khẩu phần mềm. Năm 2002 chuyển sang công ty cổ phần và thực hiện thống nhất Bắc-Nam. Năm 2003 chuyển sang quy mô tập đoàn với 4 công ty chi nhánh. Sau 15 năm, từ 13 người ban đầu, hôm nay FPT có hơn 1300 cán bộ chính thức (chưa kể số lượng công tác viên, sinh viên và thử việc). Năm 2002 doanh số FPT vượt 100 triệu USD, năm 2003 tăng trưởng dự kiến không nhỏ hơn 70% với sự vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất tại VN.
 

Grenouille_vert

Moderator
(tiếp)

Ngôi vị thủ lĩnh

Nếu soi nhìn ở góc độ tổ chức, 15 năm qua đã có những mốc quan trọng và luôn gắn chặt với Bình trên cương vị thủ lĩnh của FPT.

Năm 1988 Gia Bình thành lập FPT và đi vào thị trường Liên Xô.

Năm 1992 vượt qua đợt khủng hoảng đầu tiên trong FPT. Có những người tâm huyết và quan trọng đã ra đi, FPT thoát khỏi khủng hoảng trong gang tấc. Có lẽ đây là lúc Bình suy nghĩ nhiều về việc xây dựng một công ty dựa trên những con người tài năng nhưng phải biết đoàn kết cùng mục tiêu, cùng chí hướng.

Năm 1995 FPT thành lập các trung hạch toán theo các hướng kinh doanh tích hợp hệ thống, phân phối, phần mềm. 1998, sau 10 năm thành lập, FPT khẳng định vị trí số một trên thị trường Tin học của các ngành kinh doanh này và cũng là nhà ISP đầu tiên của VN. Trong quãng thời gian này, Bình học hỏi rất nhiều mô hình tổ chức và quản lý của các công ty công nghệ hàng đầu, áp dụng những điểm phù hợp vào FPT. Nổi bật là việc lập và bảo vệ kinh doanh, check point nhân viên và xây dựng một hệ thông tin bảo đảm kiểm soát hiệu quả kinh doanh (Balance và FIFA). Cũng mong muốn những kiến thức quản trị kinh doanh được phổ cập sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp VN mà năm 1995 Bình thành lập khoa Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Quốc gia HN.

Năm 1999 bước vào toàn cầu hóa với khẩu hiệu 528 nổi tiếng, thể hiện một sự lạc quan có phần quá thái. FPT xuất quân sang Ấn Độ, Mỹ, thu nhập những nhân viên nước ngoài. Sự bay bổng cũng đem lại chút sảng khoái và giúp hiểu mặt đất, chỗ đứng của chúng ta được kỹ hơn. FPT cần có những kỹ năng quản trị cao hơn trong giai đoạn mới. Sau một năm làm việc không mệt mỏi, đầu năm 2000 FPT là công ty Tin học đầu tiên của VN đạt chứng chỉ ISO-9001. Năm 2000 triển khai thành công hệ kế toán Solomon theo chuẩn ERP quốc tế, hệ FIFA/MIS của FPT trở thành hệ thông tin doanh nghiệp tốt nhất tại VN.

Sự phát triển liên tục của FPT đòi hỏi thay đổi cơ cấu và trang bị lý thuyết vững chắc hơn về hệ thống doanh nghiệp. Năm 2002 FPT trở thành công ty cổ phần, rồi tập đoàn hóa. Bình tung ra lý thuyết Fractal (tính bất biến của cấu trúc) và Leadership Building (kỹ năng lãnh đạo) và phát động phong trào học tập các lý thuyết này trong FPT. Không nhiều cán bộ FPT hiểu được các lý thuyết này, cũng như vận dụng chúng có kết quả. Liệu lý thuyết đó có luôn đúng hay không, liệu nó có giúp FPT đương đầu được với mọi thách thức? Chúng ta hy vọng năm 2003 này cho những câu trả lời xác đáng với sự tăng trưởng vững chắc trên tất cả các hướng kinh doanh của FPT.

Phẩm chất lãnh đạo

Lãnh đạo FPT trong những năm qua Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian. Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này.

Trước hết Bình nhìn nhận FPT như một nhà nước. Có đối ngoại, đối nội, có thông tin báo chí, có văn hóa, có kinh tế, có tinh thần, có đoàn thanh niên, có phụ nữ, có thiếu niên nhi đồng (FPT Small). Bình học ở quân đội ở cấu trúc Fractal, ở tinh thần chiến tranh nhân dân. Bình thường xuyên tham khảo tư vấn các vị tướng quân đội, trong đó có Bác Văn. Thậm chí Bình học hỏi, quan sát cách dùng người của Bác Hồ. Thậm chí những nguyên lý của âm dương ngũ hành cũng được Bình áp dụng.

Như bất cứ phong trào hay tổ chức nào, việc tập hợp lực lượng, tập hợp các tài năng trong FPT được Bình đặt ưu tiên cao nhất. Xung quanh Bình là cả một đội ngũ cán bộ tâm huyết, cá tính, rất có năng lực và có nhiều thế hệ. Phải nói rằng không có một đội ngũ như thế, FPT cũng không có được những thành tựu như ngày hôm nay. Họ cùng chung một chí hướng: xây dựng một FPT ngày càng phát triển, phát triển không ngừng. Nhiều người biết FPT đã có nhận xét: “Quái, sau bao nhiêu năm bọn chúng (FPT) vẫn ngồi được cùng nhau!”. Chắc hẳn năng lực lãnh đạo và phẩm chất, tài năng của Bình như thế nào mới có được một tập thể như thế. Ở nhiều nơi khác, sự phân rã đã đến ngay khi mới có chút ít thành công.

Bình là một nhà tư tưởng và nhiều khi hơi có phần ngây thơ tin vào các tư tưởng ấy. Ví dụ như 528, như thác số chảy vào VN. Bên cạnh đó có nhiều tư tưởng được minh chứng qua thực tế, ví dụ như gene công ty. Thậm chí Bình mong muốn có được bản đồ gene của FPT. Mấy hôm nay Bình hì hụi phác thảo các chuỗi phân tử đầu tiên của bộ gene này. Có những tư tưởng được chuyển thành lý luận, thành quy trình như Leadership Building, đang được áp dụng có kết quả trong thực tế.

Bình rất ham học hỏi. Từ một nhà khoa học được đào tạo ở môi trường Xô viết, ngày nay Bình là một nhà doanh nghiệp hàng đầu tại VN, cùng nhiều hoạt động xã hội khác. Cách học là qua sách vở, là tự học, là học qua thực tiễn, qua tham khảo các doanh nghiệp, tổ chức khác. Tóm lại học qua bất cứ môi trường nào miễn có kết quả cho FPT. Việc check point là một ví dụ học hỏi từ một doanh nghiệp Mỹ.

Bình có tài thuyết khách. Khi Bình nói về một vấn đề nào đó, tưởng chừng thế giới không thể khác đi được. Nhiều khi người nghe bị thuyết phục không phải vì bản chất của đề tài mà là do cách thức thuyết phục của Bình. Kiến cũng phải bò ra nghe. Nhiều người tin và làm theo, dù nhiều cái Bình nói đâu có đúng, đâu có đơn giản, đâu có dễ thực hiện, họ biết hoặc nghi ngờ nhưng vẫn nghe Bình thuyết phục và làm theo.

Cuối cùng là phẩm chất kiên trì đeo đuổi mục đích đặt ra, xử lý bằng được mọi khó khăn trở ngại, lôi kéo, áp lực mọi người cùng thực hiện. Một phẩm chất mà nhiều nhà lãnh đạo không có.

Rất thích hội hè, với FPT dường như là chưa đủ, Bình còn nhiều đam mê khác. Nào lập trường Quản trị kinh doanh, nào Hội doanh nghiệp trẻ VN (mà Bình có còn trẻ nữa đâu), rồi Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm VN. Đâu Bình cũng nổi trội vai trò dẫn dắt, cũng chủ tịch.

Bạn hỏi tôi rằng, Bình có nhược điểm nào không? Có đấy. Đó là sự cả tin. Cả tin vào một số giá trị không thực tiễn, cả tin vào sự chung lý tưởng, chung mục đích của tất cả nhân viên dưới quyền, cả tin vào một số người mới tiếp xúc. Đôi khi cũng phải trả giá vì sự cả tin ấy. Còn một vài nhược điểm khác nữa nhưng nói ra e làm lạc chủ đề của bài viết.

30 năm trôi qua. Bạn tôi thay đổi rất nhiều. Hy vọng với lớp 10I chúng tôi, sự thay đổi không đáng là bao. Hy vọng với tôi, Bình vẫn là người bạn cùng bàn năm xưa. Và với Thầy chủ nhiệm Đào Thiện Khải, Bình vẫn là một trò ngoan.

Bùi Quang Ngọc, 08/08/2003

(Nguồn: www.tranvuminhnguyen.com)
 

vichia

Active Member
Nếu tôi là bác Ngọc, tôi sẽ thực sự cảm thấy xấu hổ khi cả đời đứng sau bạn mình ....
 

Grenouille_vert

Moderator
Hic tuy rằng thành tích của chúng ta hẻo nhưng cũng cứ phải nêu ra đã, sau này nếu có điều kiện sẽ sưu tầm đủ hơn:

Thành tích thi HSG Quốc gia của CVA

Năm 1998-1999

Giải Ba:

01. Nguyễn Thị Vân Hà Giải Ba môn Tiếng Pháp
02. Hoàng Thị Thanh Hương Giải Ba môn Tiếng Pháp
03. Nguyễn Thị Mai Trang Giải Ba môn Tiếng Pháp
04. Phạm Đức Tùng Giải Ba môn Tiếng Pháp
05. Hoàng Đình Linh Giải Ba môn Địa Lý
06. Nguyễn Kim Thanh Giải Ba môn Văn
07. Nguyễn Bảo Trâm Giải Ba môn Lịch Sử

Giải Khuyến khích:

08. Đỗ Thị Thu Hằng Giải Khuyến khích môn Tiếng Pháp

Năm 1999-2000

Giải Nhì:

01. Trịnh Xuân An Giải Nhì môn Lịch Sử
02. Nguyễn Thị Hương Giang Giải Nhì Môn Tiếng Anh
03. Đào Thanh Tùng Giải Nhì môn Tin

Giải Ba:

04. Trần Thị Lan Anh Giải Ba môn Tiếng Pháp
05. Đỗ Thị Thuỳ Dương Giải Ba môn Văn
06. Đỗ Văn Đông Giải Ba môn Lịch Sử
07. Lê Thế Thăng Giải Ba môn Tin
08. Nguyễn Thị Viết Thu Giải Ba môn Tiếng Pháp

Giải Khuyến khích:

09. Nguyễn Thuý Hằng Giải Khuyến khích môn Tiếng Pháp

Năm 2000-2001

Giải Nhất:

01. Nguyễn Thuỳ Linh Giải Nhất môn Lịch Sử

Giải Nhì:

02. Nguyễn Thuý Hằng Giải Nhì môn Tiếng Pháp

Giải Ba:

03. Trương Quốc Anh Giải Ba môn Tin
04. Bùi Mai Lan Giải Ba môn Lịch Sử
05. Hồ Tất Thành Giải Ba môn Tin

Giải Khuyến Khích:

06. Ngô Cao Cường Giải Khuyến Khích môn Tin
07. Bùi Minh Quân Giải Khuyến Khích môn Tin
08. Nguyễn Trường Thọ Giải Khuyến Khích môn Tiếng Pháp
09. Phạm Thị Thuỳ Trinh Giải Khuyến Khích môn Văn

Năm 2001-2002:

Giải Nhì:

01. Hoàng Hải Hà Giải Nhì môn Lịch Sử
02. Hồ Tất Thành Giải Nhì môn Tin

Giải Ba:

03. Ngô Cao Cường Giải Ba môn Tin
04. Nguyễn Thu Thuỷ Giải Ba môn Tiếng Pháp

Giải Khuyến Khích:

05. Bùi Minh Quân Giải Khuyến Khích môn Tin
06. Lê Anh Tuấn Giải Khuyến Khích môn Hoá học
 
vichia said:
Nếu tôi là bác Ngọc, tôi sẽ thực sự cảm thấy xấu hổ khi cả đời đứng sau bạn mình ....
Mình đến được đâu thì nên biết tự chấp nhận khả năng, tốt ở công việc nào thì làm ở công việc đó. Để có một tập đoàn mạnh thì phải đoàn kết, nếu thấy người khác giỏi quản lí hơn mình thì nên để họ làm, họ giỏi ở vị trí khác thì sắp họ ở vị trí khác, mình thấy mình thực sự làm tốt ở lĩnh vực nào thì làm lĩnh vực đó.

Nếu bác Ngọc mà nghĩ như cậu rồi để ganh ghét đố kị với bạn thân như cậu thì FPT sẽ gặp sóng gió và chưa chắc được như bây giờ đâu. Cậu chịu khó tìm tại liệu về lịch sử các tập đoàn sẽ hiểu tại sao có những công ty bé nhỏ trở thành tập đoàn lơn, mà có những công ty với vốn lớn ban đầu phát triển một thời gian lại sụp đổ. Nếu cậu có thời gian đọc về các gaebol cũng hay lắm.
 

Traithudo

New Member
vichia said:
Nếu tôi là bác Ngọc, tôi sẽ thực sự cảm thấy xấu hổ khi cả đời đứng sau bạn mình ....
Một người bản lĩnh là người "dám thất bại" và biết vị trí của mình trong xã hội.
Thật buồn cho cách nghĩ của anh Việt đấy.
 

LTQ

New Member
---------
Chính trị
---------
Ngô Gia Tự
Trần Phú
Nguyễn Phong sắc
Lê Hồng Phong
Nguyễn Xiển
Nguyễn Văn Cừ
Phạm Văn Đồng
Nguyên Đức Cảnh
Lê Văn Lương
--------------------------
Nhà thơ , nhà văn, nhà khoa học
------------------------
Hoàng Xuân Hãn
Tạ Quang Bửu
Nguy Như KonTum
Tôn Thất Tùng
Phan Anh
Từ Giấy
Hoàng Ngọc Phách
Tú Mỡ
Nguyễn Công Hoan
Xuân Diệu
Nguyễn Đình Thi
Nam Trân
Băng Bá Lân
Đoàn Phú Tứ
Huyền Kiêu
Nguyễn Khắc Viện
Việt Phương
------------------------------
Nhà thơ nhà văn giai đoạn đổi tên thành CVA
-------------------------------
Lữ Huy Nghiên, Trần Nhật Lam, Vũ Quần Phương, Bùi Bình Thi... Các nghệ sỹ Trung Kiên, Trần Hiếu, Quí Dương, Đức Trung, Thanh Tú, Văn Thành, Tô Lan Phương

Noi chung là nhiều người VIP lắm kể ra không hết đâu . (Một điệp viên VN cực kì nổi tiếng , mình đã đọc về ông và thực sự cảm thấy phục trình độ của ông , ông cũng vừa mới mất gần đây thôi . Ông cũng là học sinh trường mình , tiếc là quên tên rồi )
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top