Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Giải thưởng không phải đích đến

lion

Moderator
Staff member
Sáng ngày 21/5, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015 và học sinh giỏi tiêu biểu của thủ đô năm học 2014-2015.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Nguyễn Hữu Độ đã trình bày tham luận báo cáo kết quả mà giáo dục thủ đô đã đạt được trong 5 năm qua. Hà Nội đã đạt được một số thành tích ấn tượng tại các sân chơi quốc tế như: kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế (IJSO) tại Argentina giành 2 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ; cuộc thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế IMSO tại Indonesia giành 3 HCB, 7 HCĐ.

Ngoài ra, trong các cuộc thi cấp quốc gia, Hà Nội cũng là một trong số tỉnh thành dẫn đầu: 140 thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn HSG quốc gia, dẫn đầu về tổng số giải và số thí sinh đạt giải Nhất. Đặc biệt, tháng 5/2015, 2 học sinh Hà Nội tham dự Olympic Quốc tế môn Vật lý thì cả 2 đều đạt giải: 1 HCV và 1 giải Khuyến khích.

Cũng tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015. Các giáo viên cùng 12 học sinh giỏi Quốc tế, 10 học sinh đạt giải Nhất Quốc gia, 40 học sinh xuất sắc tiêu biểu năm học 2014-2015 cũng được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.

Chia sẻ với các lãnh đạo ngành và thầy cô giáo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dành lời khen tặng các giáo viên, học sinh thủ đô và cho biết rằng nhiều đoàn đại biểu nước ngoài khi tới thăm Việt Nam đã “rất kính trọng và tôn trọng mô hình trường chuyên của chúng ta. Ấn tượng mà họ nhắc nhiều với tôi là Amsterdam, Chu Văn An và một số trường khác”.

Khi nói về những giải thưởng được trao tặng trong lễ tuyên dương, ông Phạm Vũ Luận nói: “Chúng ta vẫn thiếu, thiếu những giải thưởng về văn thể mỹ - những thứ ngoài văn hóa. Chúng ta cần phải tôn vinh cả những cái đó”.

“Ví dụ như hôm nay tôi được ngồi xem các cháu múa hát rất hay. Dù sau này các cháu có thành công với năng khiếu của mình hay không thì đó cũng là những thứ vun đắp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách cho các cháu. Đó mới là giáo dục toàn diện”.

“Trong chuyến đi Hà Giang của tôi vừa rồi, tôi thấy rất ngạc nhiên và vui về học sinh Hà Nội. Các thầy cô giáo trên đó nói nhiều với tôi về những đoàn học sinh, sinh viên Hà Nội lên trên đó làm tình nguyện. Các em tặng áo ấm, đồ ăn… cho đồng bào. Có em nói rằng chiếc áo được tặng em đã không còn mặc nữa, mà cho em của em mặc rồi. Nhưng chiếc áo đó vẫn còn mãi trong lòng các em khi nhớ về học sinh Hà Nội”.

“Đó chính là giáo dục, là văn hóa, là truyền thống” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cảnh báo giáo dục thủ đô “không được chủ quan”. “Như vừa rồi báo cáo của OECD có xếp chúng ta vị trí thứ 12 toàn cầu. Tôi cũng đã đọc nhiều ý kiến. Bên cạnh những vui mừng cũng còn nhiều lo ngại. Và chúng ta không được chủ quan trước những kết quả đó”.

Bộ trưởng khẳng định rằng những giải thưởng này không phải là cái đích của giáo dục, mà chỉ là những cột mốc để đi đến cái đích của giáo dục.

Nói về những đổi mới giáo dục trong thời gian vừa qua, ông Phạm Vũ Luận bày tỏ sự chia sẻ trước những khó khăn của thầy cô giáo thủ đô. Ông cho rằng, trước những đổi mới, nếu như các thầy cô, học sinh ở các vùng xa thực hiện một cách nhanh chóng, tự nhiên và trong sáng thì thầy cô, học sinh Hà Nội để làm được điều đó, khó khăn hơn rất nhiều.

“Các thầy cô đang đạt rất nhiều thành tích, đang được đồng nghiệp ngưỡng mộ như vậy, thì bây giờ để đổi mới là rất khó. Tôi cũng rất hiểu điều đó. Như hồi tôi còn là Hiệu trưởng ĐH Thương mại, trước những thay đổi, không ít đau đớn, vật vã, khó khăn, thậm chí là cả sợ hãi. Nên tôi rất chia sẻ điều đó với các thầy cô” – Bộ trưởng nói.


nguồn: vietnamnet.vn
 
Last edited by a moderator:

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top