“Dạy người” trong chương trình phổ thông “Đổi mới căn bản, toàn diện”

lion

Moderator
Staff member
Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI khi nêu vấn đề “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực của người học” đã khẳng định: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, dạy người, dạy chữ và dạy nghề”… “Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống…”
Vì sao vấn đề đặt ra cho giáo dục đào tạo trong “đổi mới căn bản toàn diện” lần này lại được Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh “Coi trọng phát triển phẩm chất năng lực người học” và đặt vấn đề “Dạy người” lên trên hết rồi mới đến “Dạy chữ, dạy nghề”?

Vậy quan niệm về “dạy người” trong chương trình phố thông đổi mới phải hiểu như thế nào? Và làm thế nào để quán triệt trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông khi được “Đổi mới căn bản toàn diện”.

Điều quan trọng là lâu nay cả người quản lý, người dạy đều chưa nhận thức đầy đủ việc các bộ môn đã góp phần quan trọng như thế nào trong việc hình thành phát triển nhân cách của người học. Việc hình thành phát triển nhân cách của người học đều phải thông qua sự tích hợp của nhiều bộ môn và mỗi bộ môn chỉ tham gia đóng góp được một phần trong công việc chung đó. Môn Toán và các bộ môn tự nhiên giúp cho học sinh có khả năng tư duy lôgic, có kiến thức khoa học để đi vào cuộc sống. Môn Văn và các bộ môn xã hội bồi dưỡng tư duy hình tượng, bồi dưỡng tình cảm, khả năng giao tiếp... Để gắn việc “dạy chữ” với “dạy người” trong các bộ môn, người thầy giáo phải hiểu được mô hình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh, từ đó mới vận dụng được.

Để làm rõ quan điểm của mình, chúng tôi xin tóm lược mô hình phát triển nhân cách (mô hình hóa luận thuyết của GS. Phạm Minh Hạc nghiên cứu về nhân cách của con người Việt Nam thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa - Đề tài KX-07)



Sơ đồ trên có 3 vòng tròn:

- Vòng tròn trong cùng là hạt nhân của nhân cách mỗi con người. Đánh giá mỗi con người, người ta nhấn vào hai mặt chủ yếu: TàiĐức. Quá trình giáo dục trong nhà trường là quá trình giúp cho mỗi người học hình thành dần, phát triển dần theo lứa tuổi cả hai mặt quan trọng này.

- Vòng tròn 2 (giữa) là chỉ 3 mặt tác động làm nên nhân cách người học. Đó là nhận thức, tình cảmhành vi.

Mọi hoạt động giáo dục phải tác động đồng đều lên cả 3 mặt này, nhân cách người học mới phát triển, mới hình thành một cách bền vững, trái lại nếu tác động không đồng bộ sẽ làm nhân cách dễ lệch lạc hoặc méo mó trở nên vô ích, không giúp gì cho việc hình thành nhân cách của người học.

Trong các giờ dạy các bộ môn, giáo viên bộ môn hiện nay đều làm tốt mặt trang bị nhận thức cho người học. Nhưng những quy luật tự nhiên, những định luật các bộ môn khoa học được khám phá như thế nào học sinh ít được làm quen mà chủ yếu các em phải công nhận, ghi nhớ máy móc; thường được nhồi nhét để tạo nhận thức. Giáo viên ít suy nghĩ nhận biết về cảm nhận tình cảm của học sinh khi tiếp thu những kiến thức khoa học đó ra sao? Và đặc biệt ít giáo viên quan tâm ngoài con đường rao giảng kiến thức có thể còn những con đường nào khác giúp học sinh nhận thức vấn đề sâu sắc hơn. Như qua hoạt động âm nhạc, biểu diễn, vui chơi múa hát có thể tạo cho học sinh nhiều ấn tượng, cảm xúc hơn để từ đó nhận thức sâu sắc hơn các vấn đề khoa học mà thầy cô dạy. Có giáo viên vật lý, ngoại ngữ đã hát ráp về những công thức vật lý, công thức ngữ pháp tiếng Anh khiến học sinh học rất hứng khởi, dễ ghi nhớ. Đặc biệt nói phải đi với làm, không thông qua những việc làm cụ thể (hành vi) thì chưa thể có được nhân cách ở mỗi con người. Các bài tập thực hành ngay sau mỗi phần lý thuyết là cách để học sinh không chỉ dễ nhận thức bản chất phần lý thuyết mà chủ yếu các bài tập này lại hướng các em vào giải quyết những vấn đề thực tế đời sống cùng giúp các em có động lực học hơn. Do đó mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường phải dẫn người học đến những lời nói, việc làm cụ thể đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn. “Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những điều nghe và nói mà phải được hình thành từ chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân”. Mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường đều phải hướng học sinh đến làm được những việc cụ thể (thể hiện hành vi).

- Vòng tròn ngoài cùng (vòng 3) là sự biểu hiện của nhân cách. Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc (Tài liệu NCKH cấp Nhà nước KX-07) có 4 mặt biểu hiện nhân cách mà những nhà giáo dục cần hướng tới cho người học. Đó là:

+ Đối với bản thân: phải có những suy nghĩ lành mạnh, ổn định, tích cực.

Luôn luôn đối diện với bản thân là hoạt động tâm lý bình thường, tự nhiên vốn có của mỗi con người nhưng các nhà giáo dục lại không biết thông qua qui luật này để giúp học sinh tự trải nghiệm, tự thấu hiểu. Và mỗi người phải biết tự thắng mình trước đã. Mọi quá trình giáo dục phải đến cái đích tự giáo dục mới là quan trọng. Học mỗi bộ môn khoa học phải giúp học sinh không chỉ có thêm kiến thức mà cái chủ yếu giúp các em tự tin, khát khao muốn chiếm lĩnh nhiều hơn nữa những đỉnh cao khoa học.

+ Đối với mọi người: Phải làm sao có thái độ tôn trọng, yêu thương, đoàn kết hợp tác, ứng xử với người khác cho đúng đạo lý, hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Đây là những phẩm chất không thể thiếu. Nó đòi hỏi mỗi người phải biết tôn vinh những giá trị của bản thân, của xã hội và phải có những kỹ năng sống, cách ứng xử hợp chuẩn mực. Đây chính là “Học để cùng chung sống” của mỗi học sinh. Giúp học sinh hình thành các giá trị và có đủ kỹ năng để làm chủ cuộc sống, vượt lên những thách thức, khó khăn. Đây cũng là cả quá trình mà mỗi nhà trường, mỗi gia đình phải luôn xem trọng. Thông qua các bộ môn khoa học người dạy phải khéo léo dẫn dắt học sinh thấy được nhân loại đã vượt khó, sáng tạo thế nào và nó đã giúp xã hội loài người phát triển ra sao từ đó dẫn dắt các em khát khao thực hành trong cuộc sống để mang lợi ích cho mọi người.

+ Với công việc và sự nghiệp: Chú ý đến mặt phát triển này của người học, đòi hỏi người dạy luôn gắn các kiến thức bộ môn với đời sống thực tế, nó được vận dụng trong các nghề nghiệp, công việc cụ thể nào. Việc chú ý gắn các kiến thức khoa học các bộ môn với các công việc nghề nghiệp cụ thể là để học sinh thấy được cái ích của việc học. Đây cũng là một mặt quan trọng khác cần sớm giúp cho học sinh sớm hoàn thiện. Nếu không chuẩn bị tốt cho học sinh trong quá trình giáo dục gắn với lao động và hướng nghiệp, chúng ta không làm tốt việc đào tạo nguồn nhân lực. Đây là thiếu sót lớn của giáo dục Việt Nam những năm qua. “Học để làm” là chuẩn bị tâm thế cho học sinh trở thành những người lao động cần cù, sáng tạo với đầy đủ trách nhiệm của công dân. Nghĩa là trong mặt rèn luyện này, giáo viên phải thông qua các chương trình giáo dục các bộ môn để giúp cho học sinh làm việc gì cũng phải có trách nhiệm với bản thân, với mọi người. Biết lao động sáng tạo đạt hiệu quả cao và hết sức linh hoạt, sao cho phù hợp với thực tế mỗi nhà trường.

+ Đối với môi trường tự nhiên và xã hội:

Con người không thể tách khỏi môi trường sống tự nhiên xã hội, do đó từ mỗi giờ học, người dạy phải sớm hình thành cho học sinh biết tôn trọng những qui luật tự nhiên, xã hội: tích cực tham gia bảo vệ để cùng chung sống và tạo sự cân bằng hài hòa trong môi trường. Không tôn trọng những qui luật này con người phải trả giá. Thông qua đặc trưng của từng bộ môn tự nhiên hay xã hội người dạy phải luôn hình thành cho người học một ý thức tham gia bảo vệ môi trường, chống những việc làm gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu… Việc thông qua các bộ môn để hình thành ý thức, thói quen, nếp sống của người có văn hóa ứng xử với mọi hiện tượng tự nhiên xã hội mới là điều quan trọng. Đây cũng chínhlà đích đến của việc hình thành nhân cách người học.

Đây chính là 4 mục tiêu hình thành nhân cách nhà trường phổ thông, mỗi giáo viên trong quá trình giảng dạy cần quan tâm và tạo mọi điều kiện để người học hình thành, phát triển. Đây cũng chính là thước đo sự hoàn thiện nhân cách của mỗi người học sau mỗi chương trình, mỗi bộ môn.

“Dạy người” thông qua các bộ môn khoa học cơ bản là người dạy phải hướng tới thông qua việc truyền thụ kiến thức cơ bản của khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội nhằm tạo cho người học năng lực và một số phương pháp tư duy, những thói quen suy nghĩ, hành động và một lối sống luôn tìm tòi, biết tự đánh giá, tự lựa chọn suốt cuộc đời. Đó là những kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm.

Để dạy người thông qua các bộ môn khoa học, người thầy phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Muốn vậy giáo viên phải được huấn luyện kỹ hơn về các phương pháp đổi mới dạy học như dạy nêu vấn đề, dạy theo nhóm, theo dự án... Họ còn phải tiếp thu cách dạy theo cảm nhận, theo trải nghiệm của phương pháp dạy giá trị sống, kỹ năng sống. Giờ dạy các bộ môn không thể là giờ đọc chép, nó phải thiết thực, sôi động như chính cuộc sống. Đó là những giờ dạy thật sự “mở”. Cách kiểm tra, đánh giá bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng phải khác nhưng tất cả phải gắn với kết quả thực hành, không phải chỉ ở trên lớp mà cả về nhà, ra xã hội và phải tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Làm sao sau mỗi giờ lên lớp học sinh của chúng ta thấy thích học, biết cách tự học, có thói quen học và học có kết quả.

Để đổi mới phương pháp dạy bộ môn, SGK phải viết lại theo những yêu cầu mới để học sinh tự khám phá kiến thức và rèn kỹ năng nhiều hơn. Ngoài ra việc chuẩn bị tư liệu, cả băng hình cho giáo viên học sinh học cần được Bộ GD&ĐT đầu tư nhiều hơn nữa.

Cuối cùng một tất yếu phải đến giúp tạo động lực cho các nhà giáo đổi mới để “dạy người” là phải tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ cho những giáo viên bộ môn có đủ trình độ tay nghề cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới.

Chúng ta không lý tưởng hóa đội ngũ giáo viên, nhưng vì sự đổi mới và vai trò của đội ngũ giáo viên bộ môn mà chúng ta phải xây dựng một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ nhà giáo dạy các bộ môn phải đạt được các yêu cầu đổi mới của mỗi bộ môn.

Các giáo viên được lựa chọn dạy các bộ môn đổi mới phải là những giáo viên có năng lực có kiến thức khoa học tối thiểu, có hiểu biết chắc chắn về giáo dục học, tâm lý học; có đủ kỹ năng giảng dạy bộ môn có tính chất mở gắn với đời sống học sinh. Họ có khả năng thuyết trình giỏi nhưng phải biết cách tổ chức hoạt động thực tiễn theo đặc trưng từng bộ môn. Cách dạy, cách thi lâu nay chỉ cốt bám sách giáo khoa nên được loại bỏ. Từ những yêu cầu trên các trường sư phạm phải có chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng sinh viên sao cho phù hợp yêu cầu mới của phổ thông.

“Dạy người” là cả một quá trình phải đổi mới trong toàn bộ hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học. Trong bài viết này chúng tôi chỉ mạnh dạn nêu một vấn đề có tính chất cơ bản, khó khăn cần phải giúp các nhà giáo, cácnhà quản lý các trường phổ thông có thêm những suy ngẫm mới để tham khảo… Để đạt được “Dạy người” trong chương trình giáo dục phổ thông chắc chúng ta phải làm nhiều việc như vai trò của giáo viên chủ nhiệm và những người làm công tác giáo dục thường xuyên; Việc đổi mới những phương pháp và quan điểm giáo dục hiện nay phải được thực hiện bằng nhiều con đường nhưng không đổi mới được từ “dạy chữ” để “dạy người” chắc chắn chúng ta sẽ không thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã đề ra.

TS. Nguyễn Tùng Lâm

Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội

Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 51 (tháng 3/2014)

 
Last edited:

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top