Những bài học vô giá về giáo dục lòng khoan dung

lion

Moderator
Staff member
Chúng ta đang triển khai giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh . Một trong những nội dung giáo dục ấy là giáo dục lòng khoan dung. Lòng khoan dung tạo ra sự cảm động, ân huệ, còn sự đố kỵ, xét nét, khắt khe chỉ gây thù, chuốc oán... * Ôn cũ để hiểu mới Chuyện kể rằng có một viên quan thừa lúc say rượu đã có hành động không phải với một cô cung nữ. Cô cung nữ đã giật được cái giải mũ của viên quan nọ đem trình vua Trang Vương nước Sở, xin ngài trị tội kẻ sàm sỡ. Tưởng vua sẽ lôi kẻ có tội ra để trị tội, ai ngờ vua tuyên bố: Hôm nay vui vẻ, ai uống không say đến mức đứt cả giải mũ, chưa gọi là vui. Thế là các viên quan đua nhau dựt đứt giải mũ của mình để được tiếng là vui hết mình. Mấy năm sau nước Sở đánh nhau với nước Tấn. Có một viên quan rất hăng say xả thân vào quân thù. Đánh trận nào thắng trận ấy. Vua gọi viên quan ấy hỏi: “Tại sao ngươi lại hết lòng vì ta đến thế”. Viên quan thưa: “Thần là người bị dứt đứt giải mũ mấy chục năm trước, nhưng vì lòng bao dung, nhà vua đã không trị tội. Lòng khoan dung của nhà vua khiến thần cảm kích và luôn tìm cách báo đền. Nay mới có dịp”. Vậy là có lòng khoan dung sẽ tạo ra ân huệ, việc khắt khe, xét nét người chỉ thêm chuốc thù, gây oán. Tình người đẹp như thế, lẽ nào không phải là bài học cho mỗi chúng ta. * Cổ tích giữa đời thường Chắc các bạn chưa quên bộ phim “Mẹ chồng tôi” được trình chiếu trên màn ảnh nhỏ. Một cô dâu trẻ có chồng đi bộ đội bao năm không về. Cô ở nhà hết lòng chăm lo cho mẹ chồng và hoàn thành mọi nhiệm vụ trong gia đình cũng như xã hội. Nhưng vì thiếu thốn tình cảm, lại gặp được người bạn trai tri kỉ, nên cô dâu trẻ trót có lỗi lầm. Bà mẹ chồng biết được và đau đớn lắm. Giá như người cạn nghĩ, bà mẹ chồng sẽ làm ầm lên hoặc ghi nhớ chuyện này và mách chuyện với con trai mình. Nhưng không thế, vì lòng khoan dung, sự cảm thông với cô vợ trẻ xa chồng, bà mẹ đã im lặng và khi con trai về, bà đã có những lời nhận xét tốt đẹp về cô con dâu. Cô con dâu cảm động, gục vào vai bà mẹ chồng nói: “Mẹ đã cho con một bài học lớn lao là sự khoan dung, độ lượng”. Chính vì sự độ lượng, khoan dung ấy mà cuộc sống gia đình họ trở nên hạnh phúc. Cô con dâu hết lòng yêu kính và phụng dưỡng mẹ chồng đến cuối đời. Năm tháng làm người ta có thể quên rất nhiều thứ, nhưng lòng khoan dung thì được ghi nhớ mãi. * Mẹ đã dạy tôi Tôi nhớ năm ấy chúng tôi vừa cưới nhau được một năm thì tôi phát hiện ra chồng tôi có người con gái khác. Bằng chứng là mấy lá thư người con gái kia gửi cho anh ấy. Cơn ghen nổi lên, lòng tự ái bị tổn thương, tôi đã định xé vụn những lá thư ấy và quyết làm cho ra nhẽ, lành làm gáo, vỡ làm muôi. Nhưng khi thấy tôi vừa khóc mếu, vừa kể chuyện xảy ra, mẹ tôi đã cười và kéo tôi vào phòng. Mẹ lôi ở trong đáy tủ ra một xấp thư. Mẹ bảo: “Đó là những lá thư tình của bố con. Bố con và cô ấy yêu nhau, nhưng họ không thành đôi lứa. Khi phát hiện ra chúng, mẹ cũng đau như con, định đốt hết đi, nhưng cuối cùng mẹ lại gói ghém lại, cất giữ cho đến bây giờ”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao mẹ làm thế. Mẹ bảo: “Ai chẳng có những lá thư tình, ngay cả khi mình có vợ có chồng rồi, vẫn còn có những người yêu quý ta. Điều quan trọng phải nghĩ rằng vợ mình, chồng mình phải là người tốt thế nào mới có người đem lòng yêu thương chứ. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất đã thuộc về mình, bởi mình được là vợ của anh ấy. Giá có đốt hết những lá thư đi, thì cũng không xoá được hình bóng người kia trong tim, trong óc chồng mình. Không những thế mình còn làm cho chồng mình bị tổn thương ”. Nói xong, mẹ tôi bảo: Tuỳ con, con muốn đốt thư riêng của chồng con, muốn làm ẫm ĩ lên cũng được. Chỉ mong con luôn nghĩ rằng khoan dung với người, sẽ được người khoan dung với mình. Ảnh minh họa Mấy lá thư của chồng tôi không bị đốt, mà nó được để vào chỗ cũ. Nhưng rồi cuối cùng chồng tôi cũng khoe chúng với tôi với lòng tin tưởng là tôi sẽ không ghen. Tôi đã bảo với chồng tôi rằng anh phải cảm ơn mẹ, bởi mẹ đã dạy tôi biết khoan dung. * Chuyện bố tôi Tôi còn nhớ năm ấy tôi học lớp hai. Trong lớp tôi có một bạn nhà nghèo, có tính tắt mắt, hay lấy đồ của các bạn trong lớp. Chính tôi cũng bị bạn ấy thó mất quyển tranh truyện bố mới mua cho tôi. Tối hôm đó tôi mách tội bạn ấy với bố, bố đã nói: “Bạn ấy nhà nghèo mà lại ham đọc sách, thế là rất quý. Con đừng mách tội bạn ấy với cô giáo. Một người ăn trộm sách không phải là kẻ trộm quá xấu. Con cứ nói với bạn ấy rằng đọc xong trả lại, con sẽ cho bạn ấy mượn thêm những cuốn khác nữa ”. Quả nhiên bạn ấy đã trả lại tôi cuốn sách và còn được mượn thêm. Tôi và bạn ấy đã là bạn với nhau từ đó đến giờ. Rồi có lần em trai tôi vì bênh vực ngưòi yêu mà có lời không được lễ phép lắm với cha mẹ. Bố đã bảo: “Khi người ta yêu, thìngười yêu là nhất. Ai ngăn cản, tự nhiên sẽ trở thành kẻ thù. Ngày trước bố mẹ yêu nhau, ông bà nội con cũng không đồng ý. Có lúc bố hận ông bà và nghĩ sẽ bỏ nhà ra đi. Con người ta luôn hướng thiện. Sẽ có lúc em con nghĩ lại khi sóng tình đã dịu đi. Phải biết sống khoan dung con ạ”. Những bài học của bố cứ ngấm sâu vào tôi một cách tự nhiên. Đến bây giờ tôi thấy mình cũng tốt bụng như bố. Thấy một người có tính kèn cựa, tôi đã nghĩ: “Người ta không được bằng người, nên mới cố gồng mình lên như thế. Kể cũng đáng thương”. Nhìn thấy một cô gái ăn mặc khác người, tôi cũng cảm thông rằng: “Cô ấy không còn cách nào chứng tỏ mình hơn, đành phải thể hiện mình bằng cách ấy”. Cứ như vậy tôi không khắt khe, không nghĩ ác về ai bao giờ. Cái được lớn nhất là được cho tôi, vì lòng tôi luôn thanh thản. Khoan dung với người khác không phải là đức tính tự nhiên mà có. Nó là kết quả của sự vun đắp dài lâu thông qua sự làm gương và những lời chỉ bảo của cha mẹ từ những ngày con còn thơ bé. Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 45 (tháng 10/2013)
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top