Khi mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng

lion

Moderator
Staff member

Cô và trò trường TH Lê Ngọc Hân
Mỗi trường một cách làm, mỗi nhà giáo một sự sáng tạo nhưng tất cả đều chung tinh thần xây dựng đội ngũ nhà giáo vững về chuyên môn, đẹp về phong cách, xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh noi theo. 5 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có sự chuyển biến về chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục toàn diện…
Hiệu quả thực chất
Chủ tịch CĐGD Hà Nội cho biết: Qua 5 năm đẩy mạnh cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", đội ngũ nhà giáo Thủ đô ngày càng đủ về số lượng và đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn tăng nhanh. Tỷ lệ trình độ chuẩn đạt 100%, trình độ giáo viên đạt trên chuẩn: cấp học mầm non 42,1% (toàn quốc 33,5%); cấp tiểu học 92% (toàn quốc 43%); cấp THCS 62,4% (toàn quốc 30,43%); cấp THPT 18% (toàn quốc 3,8%), khối GDTX 8,5% và TCCN 26,2%.
Cuộc vận động đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động rèn luyện tu dưỡng đạo đức của đội ngũ nhà giáo về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong các hoạt động dạy và học, đấu tranh với tiêu cực học đường; đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp, yêu nghề, thương yêu học sinh…
Cuộc vận động khích lệ đội ngũ nhà giáo Hà Nội tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, ứng dụng ngoại ngữ, tin học để phục vụ công tác giảng dạy; rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, tác phong, lối sống mô phạm, làm gương cho học sinh, giữ gìn bảo vệ tryền thống đạo đức vốn có của nhà giáo. Ngoài ra, các phong trào sáng kiến, sáng tạo được ngành giáo dục Thủ đô đẩy mạnh. Đội ngũ nhà giáo toàn ngành đã tích cực cải tiến, sáng tạo trong dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo như: Vận dụng tri thức mới và công nghệ mới vào giảng dạy, đẩy mạnh phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, phong trào thi đua “hai tốt”, phong trào tự làm đồ dùng dạy học…
Từ cuộc vận động, nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, thương yêu giúp đỡ học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp đã được các thế hệ học trò tin yêu, quý trọng, xã hội tôn vinh. Họ là những tấm gương sáng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đóng góp vào việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước.
Nhân lên những tấm gương sáng
Là một trong những đơn vị được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động, trường TH Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) đã khẳng định những cách làm hay, sáng tạo và tâm huyết của đội ngũ CBGV nhà trường. Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Thực hiện nghiêm túc các nội dung của cuộc vận động, không chỉ nâng cao ý thức rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ mà CBGV nhà trường còn sáng tạo vận dụng tri thức, công nghệ mới vào dạy học, tích cực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm vào đổi mới phương pháp dạy học…Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên đều ý thức hơn trách nhiệm, vai trò của mình trong xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy giáo mẫu mực, về ngôi trường thân thiện trong mắt học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ trao thưởng cho các đơn vị xuất sắc

15 năm dạy học đã có trong tay 12 sáng kiến kinh nghiệm cấp TP, là tác giả tham gia biên soạn cuốn sách “Giúp em học tốt Toán 5”, thành viên Hội đồng biên soạn đề thi giải toán qua mạng cấp Quốc gia, liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp TP, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen…, cô giáo Hồ Thị Thu Hà- Phó Hiệu trưởng trường TH Thăng Long, quận Hoàn Kiếm là một trong những tấm gương sáng của ngành GD&ĐT Thủ đô.
Cô Hà chia sẻ: Phấn đấu để trở thành “nhà giáo mẫu mực” là điều mà tất cả các thầy cô giáo cần làm, đặc biệt khi chúng ta là người giáo viên của mảnh đất Thăng Long- Hà Nội mang đậm nét thanh lịch của người Tràng An. Với cô: Học tập không bao giờ là đủ. Nếu tự bằng lòng với mình sẽ là tụt hậu so với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí so với cả học sinh. Bởi vậy, cô giáo Hà đã không ngừng học tập nâng cao trình độ, cô đã bảo vệ thành công xuất sắc luận văn Thạc sĩ với đề tài “Thiết kế các chuyên đề môn Toán lớp 5 nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chuyên môn ở trường Tiểu học” được Hội đồng khoa học có 5 thành viên đánh giá xuất sắc với 5 điểm 10.

Là một cô giáo mầm non, để làm tốt việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương- Trường MN Cầu Diễn, huyện Từ Liêm đã nỗ lực tự học để nâng cao tay nghề và có nghiệp vụ sư phạm vững vàng. Cô Hương bộc bạch: Nếu không yêu nghề, yêu trẻ, không chủ động đổi mới, sáng tạo trong cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ thì cô giáo mầm non sẽ không thể đáp ứng được với yêu cầu mới. Từ nhận thức này, cô giáo Hương luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT vào dạy trẻ. Công việc soạn bài giảng điện tử được cô thực hiện và ứng dụng hàng ngày. Từ chỗ chưa biết gì về máy vi tính, nhờ nỗ lực học tập, giờ đây cô giáo Hương đã có thể sử dụng thành thạo vi tính, sử dụng các phần mềm trong giảng dạy. Bên cạnh đó, cô còn thường xuyên cải tiến đồ dùng dạy học cũng như nội dung bài giảng để phù hợp với học trò và chú trọng viết, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm trong công việc chuyên môn…Cô Hương cho rằng: Người giáo viên phải luôn tạo cho mình một tâm thế năng động, sáng tạo trong mọi lúc, mọi nơi và mọi tình huống. Thực tế giảng dạy luôn xuất hiện độ chênh trong năng lực của từng giáo viên. Cũng là giáo viên có bằng cấp như nhau nhưng không phải năng lực đều giống nhau. Vì vậy, để rút ngắn khoảng cách chênh lệch và đạt được chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở cả 3 lĩnh vực phẩm chất, năng lực và kỹ năng sư phạm thì không còn con đường nào khác là giáo viên phải tự học, tự rèn luyện và sáng tạo trong công việc…
Đánh giá cao đóng góp của những nhà giáo tận tụy với nghề nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu, luôn nêu cao tinh thần tự học, sáng tạo, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, NGƯT Nguyễn Hữu Độ- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Các thầy cô giáo là minh chứng cho thấy sức sống mạnh mẽ và giá trị thực tiễn của cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Mỗi nhà giáo đã tự hoàn thiện mình, mẫu mực về phẩm chất, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề; vững vàng đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho học sinh, hình thành nhân cách tốt đẹp trong thế hệ tương lai của đất nước. Thông qua cuộc vận động, nhiều việc tốt được thực hiện, nhiều tấm gương tốt được nhân lên, góp phần quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong mỗi nhà trường.
* Thầy giáo Phan Thanh Dũng- Chủ tịch CĐGD huyện Đông Anh: Trong số các thầy cô giáo là “tấm gương đạo đức”, mẫu mực, lực lượng có tính chất quyết định đến chất lượng phong trào chính là đội ngũ nhà giáo làm công tác quản lý tại các nhà trường. Thực tiễn giáo dục của Đông Anh đã khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra, đánh giá, tập hợp các đoàn thể, lực lượng xã hội…để tạo ra nguồn lực phát triển nhà trường. Do đó, muốn có nhà trường văn hóa, nhà giáo là tấm gương đạo đức, mẫu mực, cần phải có những cán bộ quản lý thực sự làm tấm gương sáng về đạo đức.
* Cô giáo Nguyễn Phương Liên- Phó Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thị Minh Khai: Giáo viên phải luôn nhớ mình là một người thầy. Người thầy phải thông qua giáo dục mà đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển nội lực của họ. Dạy học không phải chỉ bằng kiến thức mà còn phải bằng cả tấm lòng người thầy. Trên ghế nhà trường, học trò có học thật, làm thật mới sống thật nên người; có tích cực tự học dưới sự hướng dẫn của người thầy mới tự trang bị cho mình kỹ năng học, kỹ năng làm, kỹ năng sáng tạo và kỹ năng sống. Muốn vậy, người thầy phải luôn là tấm gương sáng cho học sinh thông qua: tác phong văn minh, thanh lịch, có đạo đức nghề nghiệp: Luôn tự học hỏi trau dồi về chuyên môn và năng lực sư phạm; Tiếp cận với sự thay đổi nhanh của khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; Không chỉ là người thầy mà còn là người bạn luôn biết lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với học trò.
* Thầy giáo Nguyễn Đức Trường- Trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm: Cuộc sống luôn vận động, nguồn tri thức là vô tận và không ngừng nhân lên. Ngành Giáo dục đang đứng trước trọng trách giáo dục, đào tạo những con người đáp ứng cho thời đại mới. Xã hội cũng đòi hỏi chất lượng giáo dục ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, chưa bao giờ người giáo viên phải đứng trước áp lực tự cập nhật, trau dồi kiến thức như bây giờ. Và có yêu nghề, chúng ta sẽ luôn có tinh thần tự học và sáng tạo để hoàn thiện bản thân và làm tốt công việc của mình. Bên cạnh những kiến thức cần phải có, thầy cô đứng trên bục giảng bao giờ cũng phải có sự tâm huyết, có nhân cách tốt, bởi một điều rất đơn giản “chúng ta không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng và cũng không thể dạy ai với chút ít nhiệt tình”.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top